Vít tay ga vượt qua một khe núi, tôi cảm nhận trọn vẹn cái lạnh của đêm len lỏi tận vào tận trong cơ thể. Trên những sườn núi, dải sương bạc bao phủ như còn níu lấy màn đêm chuếnh choáng. Chẳng rõ mình đã bị mê hoặc tự khi nào mà bấy lâu nay, tôi cứ mải mê đi theo những giai điệu bồng bềnh vọng lại từ miền đất ấy.
Đi qua bản làng người Tày ở các xã Tân An, Hà Lang, Trung Hà của huyện Chiêm Hóa, bắt gặp những mầm lúa nhú lên xanh mơn mởn trên những thửa ruộng. Rừng núi vẫn ngập tràn trong không khí của mùa xuân với những hoa đào, hoa mận khiến ta lầm tưởng sắc xuân nơi đây như chỉ mới bắt đầu.
Từ một lời hứa
Cho đến giờ, mỗi khi nghe lại những câu hát then, hát cọi, tôi lại tự hỏi tại sao mình không thực hiện sớm một điều... Đã biết bao lần, anh Ma Văn Kiệm, thôn Bản Tháng, xã Trung Hà mang ước nguyện mà tâm sự với tôi, làm sao có thể đưa được giọng hát của mình để mọi người trong và ngoài huyện cùng biết đến. Cái ý của anh chẳng phải để khoe khoang, nó tốt bụng một cách thật thà và ngay như cây trên rừng vậy.
- Đồng bào tôi thích nghe then cọi lắm! - Anh nói như mong ước.
- Một ngày gần nhất anh ạ, em sẽ giới thiệu về then cọi ở xã mình.
Tôi đã hứa, một lời hứa mà chính tôi cũng chẳng biết chính xác khi nào mới thực hiện được cho anh. Có lúc nhận được điện thoại của anh, chợt trách mình là kẻ thất hứa. Nhưng quả thật lúc ấy, một người lần đầu tiên được biết thế nào là hát cọi như tôi mà còn cảm nhận được rằng, ở cái chất giọng của anh, có cái gì đó rất lôi cuốn, rất đặc trưng. Còn nhớ, nhạc sỹ Tân Điều ở dưới Tuyên đã chia sẻ với tôi kinh nghiệm để đánh giá một giọng hát hay rằng, khi nghe giọng hát của ca sỹ khi nào phải thấy người “nổi da gà” lên mới là một giọng hát hay. Thực ra, đó là cái cách nhận xét riêng của giới nghệ sỹ thôi. Cái cảm giác ấy không phải do “ghê” tiếng hát mà chính là do giọng hát đã đánh động đến giác quan cảm thụ âm nhạc trong mỗi người. Khi anh Kiệm cất lời, mặc dù chẳng hiểu mô tê gì về tiếng Tày, nhưng theo cảm nhận của bản thân tôi, cái chất “Tày” được thể hiện rõ mồn một qua giọng hát của anh. Tiếng hát đó, người nghe như được nhìn thấy, chạm được vào cuộc sống của người Tày, sinh động như bức tranh không gian ba chiều vậy.
Không hiểu người may mắn là anh hay là tôi nữa. Trời xui đất khiến thế nào tôi lại được phân công phụ trách chính mảnh đất ấy, lại được gặp lại anh và bỗng dưng, tôi lại trở thành người giữ lời hứa.
- Lần này bắt được “con ngựa” rồi, thế nhỉ?
- Vâng!
Thế là từ huyện vào nhà anh hơn bốn chục cây số, anh và tôi cứ đi đi lại lại năm, bảy lượt gặp nhau, tâm sự và nghe chuyện của anh. Dù tất cả mới chỉ nằm trong “kế hoạch”, nhưng anh đã hăm hở mang chuyện ấy đi khoe khắp làng.
Lạc vào không gian then, cọi
“Tháng ba mùa xuân, hoa nở khắp rừng, bướm dập dìu chao liệng. Không ai biết ngày xưa, chỉ vì không lấy được nhau, để rồi tháng ba ngậm ngùi hoa mong bướm lượn…”. Ngâm nga mấy lời then cổ “Cung bướm lượn tháng ba”, tôi nhớ đến Chu Văn Thạch, chàng trai sinh năm 1987 ở thôn Cuôn, xã Hà Lang. Hiếm có một giọng hát then nào dầy dặn, ấm áp và tròn tiếng như thế. Nhìn cử chỉ của Thạch cầm cây đàn tính ngồi trên bậc cầu thang gẩy một cách điêu luyện, ngón chân còn đeo mấy cái xóc nhạc làm nhịp cho câu hát và tiếng đàn tính, tôi có cảm giác rằng, Thạch sinh ra chỉ để hát then. Cảm nhận đó chẳng sai chút nào, Thạch tâm sự rằng, từ lúc 7 tuổi đã biết hát nhờ người chú là Tô Văn Vân, thôn Làng Hiệp dạy. Dần dà, Thạch bộc lộ năng khiếu trời phú của mình. Năm 2007 được giải nhất tập thể trong Liên hoan hát then toàn quốc. Đến năm 2009, Thạch lại được giải nhì hát đơn. Hỏi tại sao Thạch còn trẻ lại biết hát nhiều bài then cổ như thế, Thạch chỉ cười:
- Tại thích thôi! Phải tìm bằng được các cụ già trong huyện biết hát then cổ để học. Then là món ăn tinh thần của người Tày rồi, nếu như con người cần có máu trong cơ thể thì then cũng giống như máu ấy.
Với tôi, đó là một câu nói mộc mạc nhưng thật vĩ đại.
Người tôi gặp tiếp theo và cũng là người có công rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy làn điệu then, cọi ở Tuyên Quang, đó là nghệ nhân Hà Thuấn. Sinh ra và lớn lên tại xã Tân An, không gian nuôi dưỡng những là điệu then, cọi. Từ khi anh trai ông là cố nghệ nhân Hà Phan khuất núi, ông nối bước để tiếp tục rèn rũa, vun đắp cho những làn điệu dân ca quê mình. Ông Hà Thuấn mang nụ cười hiền hậu mà trao cho tôi:
- Hát cọi của dân tôi có cái duyên đằm thắm, giai điệu thì mênh mang, da diết, chứa đựng trong đó cả nỗi lòng đa sầu, đa cảm của người hát. Còn điệu then cùng với tiếng tính tẩu thực sự là hơi thở của cuộc sống, là mối duyên mặn mà của con người với làng bản. Chẳng thế mà nhiều nhạc sỹ đã từng sử dụng chất liệu then, cọi trong sáng tác của mình. Then còn được ví là tình yêu, là khúc nhạc của màu chàm bất diệt.
Hiểu được cái mênh mang của then, cọi trong lời ông Hà Thuấn nói, nhưng thật sự tôi chưa thể giải thích cặn kẽ được cho bản thân về tình yêu của người Tày trong những câu hát của họ. Lâng lâng trong men rượu nồng nàn, thưởng thức bữa cơm đạm bạc của người dân tộc, những lời nói của ông Hà Thuấn về ý nghĩa của các câu hát mới làm tôi hiểu. Then là cuộc sống của người Tày, bởi ngày xưa, then là những khúc hát sử dụng trong việc cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, cấp sắc… Nếu như ngày nay, nam nữ tìm hiểu nhau, yêu nhau qua nhiều yếu tố, thì từ xưa, các chàng trai, cô gái Tày thường cảm phục nhau bằng tiếng hát then, hát cọi. Giai điệu then da diết với tiếng đàn tính trầm bổng làm say đắm lòng người. Tiếng then còn làm cho con người quên ăn, chim ngừng hót, súc vật trên rừng phải ngẩn ngơ, gió ngừng thổi, mây ngừng bay. Giai điệu của hát cọi mênh mang, chứa đựng nỗi lòng của người hát. Khi các chàng trai, cô gái nghe thấy tiếng cọi của nhau mà hiểu được nỗi lòng của nhau. Trải qua thời gian, tiếng then, tiếng cọi không hề mất đi tính đặc trưng vốn có mà càng làm cho sức sống của người Tày càng căng tràn, giúp cho mỗi duyên tình giữa con người và thiên nhiên ngày thêm mặn mà, cuộc sống ngày càng sinh sôi.
Âm hưởng của làn điệu then, cọi không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc sống của người Tày mà còn đi cả vào trong những sáng tác của các nhạc sỹ sau này. Nghe những câu then, câu cọi lúc đầu thấy lạ, sau lại nhớ, lại thương. Chỉ một ngày ở xứ sở của những câu hát ấy thôi, đến khi về lại rạo rực trong lòng. Chìm đắm trong không gian mênh mang, nghe những sáng tác mới mang âm hưởng giai điệu của vùng đất này mà thấy ý tứ thật thấm thía: “Ngày xưa đói nghèo, tiếng đàn nghẹn ngào lệ rơi. Hôm nay đổi mới, núi rừng rộn ràng lời ca”. Người Tày sao mà đằm thắm, sao mà sâu sắc đến thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét