28/3/11

Vạn chài


Những xóm nhà bè lụp xụp đã xuất hiện từ khá lâu nay ở trên dòng sông Lô. Một thời, cư dân chỉ sống bằng tôm cá kiếm được từ dưới sông. Không có đất trên bờ, họ vẫn tồn tại ở đây từ đời này qua đời khác, như một mảng màu trầm trong cuộc sống muôn màu sắc.


Đời sông nước…
Gọi là vạn chài là vì từ lâu lắm rồi, dân tứ xứ về cư ngụ thành làng ở những bến sông, sống bằng nghề chài lưới và chở đò. Ngày nay, người ta hay gọi là dân nhà bè. Số cư dân nhà bè dọc theo hai bờ sông qua thành phố có khoảng 50 hộ. Thời mà đường bộ còn chưa phát triển, hàng hóa được vận chuyển chủ yếu bằng đường sông, ngược xuôi nhộn nhịp. Những người chuyên chở hàng hóa dọc theo sông Lô bằng thuyền chẳng khác gì những doanh nghiệp vận tải bây giờ, nhiều nhà giàu lên vì buôn bán, chuyên chở đò. Một số cư dân khác thì làm nhà trên mặt nước, bám vào các mom sông và sống bằng nghề chài lưới.

Xóm nhà be ven sông Lô
Men theo bến phà cũ xuống khu nhà bè thuộc địa phận phường Minh Xuân, thấy ông Lê Mạnh Tuấn đang ngồi đan nắn ở cửa. Nhảng chân lên chiếc cầu được làm bằng 3 cây tre, tôi vội chui ngay vào trong chiếc nhà bè, chỉ sợ lộn xuống sông. Ông Tuấn có nước da ngăm đen và đôi mắt sáng. Rít một hơi thuốc lào, nhâm nhi chén nước chè, ông cho biết, bố mẹ ông là người Lập Thạch, Vĩnh Phúc, lên ở bến sông này từ trước năm 1945 và sống bằng nghề đánh cá. Đến đời ông lại nối tiếp nghề này, ông Tuấn bảo: “Cách đây khoảng hai chục năm trở về trước thôi, những người đi tra câu, đánh lưới còn được cả cá chiên nặng chục cân, nhưng bây giờ kiếm được con cá cũng khó khăn lắm”. Những người có kinh nghiệm thường chọn nơi có ghềnh đá, nước chảy xiết để rê chiên, được rất nhiều cá chiên. Hồi đó cá chiên, cá quất, cá ngạnh nhiều vô kể, loài cá này thích những con mồi như giun, nhậy, gián đất… Trẻ con chỉ quăng cần câu xuống dưới cốn bè là giật lên toàn chiên bọ với quất con. Kiếm được gần chục con là bữa cơm hôm đó có canh cá nấu chuối mẻ, tía tô, chẳng khác gì những món ăn thịnh soạn như trong nhà hàng bây giờ. Bọn trẻ khoái nhất là mỗi lần có “Ru-ma-ni” (tiếng “lóng” chỉ một loại ca-nô nhỏ) quần thảo ở một vở sông làm cho nước đục ngàu, ba ba không chịu nổi phải ngoi lên mặt nước. Dân chài lưới ở sông Lô có nhiều cách để đánh bắt cá sông như đánh lưới, xẻo, cụp, thả nắn, tra câu… Mỗi chuyến đánh bắt về, cá quẫy đành đạch trong khoang thuyền, người nhà lại mang lên bờ bán lấy tiền, rồi mua những thứ cần thiết xuống bè. Dân vạn chài hồi đó sống sung túc bằng nghề sông nước nên người ta cũng không nghĩ đến chuyện lên bờ.
Nhưng rồi, cuộc sống của dân vạn chài cũng không còn được suôn sẻ mãi. Các hộ dân trên bờ cũng theo nhau đánh bắt cá. Đến khi cá ở sông ít đi, họ dùng mìn tự tạo, kích điện để bắt những con cá bé bằng ngón tay trở lên. Thêm vào đó, việc khai thác cát như dùng tàu múc, hút cát, cắm trực tiếp ống hút cát xuống mép sông, dùng bơm thủy lực hút lên bờ nên đã gây ra hậu quả là sạt lở và thay đổi dòng chảy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của dòng sông. Dân vạn chài không còn nghề mưu sinh, một số gượng sức lên bờ kiếm được mảnh đất cắm dùi, số còn lại đành phải tiếp tục lênh đênh với sông nước.

… Và mong mỏi của vạn chài
“Các cháu ở trên bờ sướng đủ đường, cả nhà chú ở đây vất lắm. Mỗi khi có gió bão là nơm nớp lo, chỉ sợ tốc hết mái. Nước sông lên thì phải níu bè vào gần bờ, nước rút lại phải bắn ra không là mắc cạn". Ngôi nhà bè của vợ chồng ông Trần Khắc Tiệp ước chừng khoảng 15 mét vuông. Ông không phải là người xuất xứ ở nhà bè. Gia đình bố mẹ ông ở trên bờ, nhưng từ khi hai vợ chồng lấy nhau, không có đất để ở, vợ chồng ông đành ở tại nhà bè trên dòng sông này và đã tồn tại hơn 20 năm nay. Ông Tiệp tâm sự: Cả nhà ông có 4 người, sống bằng nghề làm thuê ở trên bờ. Lúc thì đi làm thợ xây, khi bốc vác, ai thuê cái gì thì làm cái đó. Gia đình ông không đánh cá mà làm chuồng nuôi lợn, gà trên sông. Ông kể, hồi đứa con ông lên 4 tuổi, do bố mẹ không để ý, bị lộn xuống nước, cuốn vào gầm bè, may mắn thế nào lại nổi lên ở đuôi bè, thoát chết. Rồi ông chỉ cho tôi một nhà bè nằm chênh vênh trên bờ và bảo tôi ra đó mà chụp ảnh. Rảo bước tới gần, tôi mới thấy cái sự xập xệ của căn nhà. Có lẽ chủ nhân của nó nghĩ rằng đằng nào nước cũng lại lên, nên cứ để nhà mắc cạn như vậy, các loại rác thải rải trắng xung quanh nhà. Một người phụ nữ ăn mặc tuềnh toàng, vai khoác bao tải, tay cầm móc sắt, bước thấp bước cao đi từ trên bờ xuống, ánh mắt nhìn xoi mói. Người phụ nữ đó là Vũ Thị Thoa, làm nghề nhặt phế liệu ở trên bờ. Gia đình bà đã ở bến sông này trên 30 năm, công việc chính để gia đình sinh sống là làm thuê và nhặt phế liệu. Đứa con gái trông khá xinh xắn, năm nay 16 tuổi nhưng bỏ học từ năm lớp 8 vì không có tiền đi học. Bên kia sông, xóm nhà bè thuộc phường Nông Tiến, căn nhà của vợ chồng anh Nguyễn Minh Phúc cũng chỉ vẻ vẹn 17 mét vuông. Nhà cũ mục nát nên vợ chồng anh vừa phải vay mượn tiền để lợp lại toàn bộ phần mái. Hai vợ chồng nuôi cá lồng trên sông. Thời gian rảnh rỗi chồng đánh lưới dọc sông, vợ lên bờ có việc gì thì làm thêm kiếm tiền.
                                               Ngôi nhà bà Thoa mắc cạn trên bờ
                                       Bãi rác cạnh ngôi nhà bè bà Thoa
Điều mà cư dân nhà bè phải chấp nhận lâu nay đó là mọi sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ, nuôi gia súc, gia cầm… đều diễn ra trên sông. Thậm chí chỉ cần múc nước sông lên và đánh phèn chua cho lắng là có thể sử dụng làm nước ăn, uống. Nguồn điện sinh hoạt đối với dân nhà bè bấy lâu nay đã là cả một sự may mắn. Vì không đảm bảo an toàn cho việc sử dụng điện ở dưới nước, nên không có hệ thống lưới điện cung cấp điện cho cư dân nhà bè. Họ phải dòng dây lấy điện từ những hộ gia đình trên bờ. Chỉ trên một khúc sông ngắn chảy qua thành phố nhưng dân nhà bè lại có một cuộc sống khắc hẳn với cuộc sống nhộn nhịp ở trên bờ. Họ lầm lũi và cần mẫn với cuộc sống mưu sinh. Những mảnh đời gắn liền với sông nước, không có nhiều cơ hội để giao lưu, học hành. Bà Nguyễn Thị Tuyên, vợ ông Lê Mạnh Tuấn chỉ biết chép miệng: “Ngày xưa học xong cấp hai, cô thi Trung cấp Dược, thiếu mất điểm rưỡi, người ta chuyển điểm sang Trường Trung cấp Lâm sinh. Nhưng nhà cô có 10 anh em, mẹ cô sợ không có điều kiện cho theo học nên thôi, bây giờ đâm ra vất vả”.
                                     Ông Lê Mạnh Tuấn với những chiếc nắn bắt tôm
Theo thông tin từ Phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết, UBND thành phố đã có chủ trương khuyến khích các hộ nhà bè mở các dịch vụ du lịch dưới sông, đồng thời chủ trương di dời các hộ nhà bè ra khỏi vùng sạt lở, nguy hiểm. Hiện nay, thành phố đang tiến hành quy hoạch các khu tái định cư tại tổ 37, 38 phường Minh Xuân, tổ 9 phường Nông Tiến. Mặc dù việc làm này vẫn cần một thời gian nữa, nhưng tín hiệu đó phần nào đã thắp lên niềm tin cho những cư dân vạn chài trên dòng sông Lô.

Không có nhận xét nào: