28/3/11

Sắc xuân Thổ Bình

Buổi sáng áp Tết Nguyên đán Tân Mão, bản làng người Dao đỏ ở xã Thổ Bình (Chiêm Hóa) im lìm trong làn sương sớm. Cái lạnh giá của mùa đông vẫn còn bao trùm lên từng nóc nhà, con đường. Lác đác trên cành cây, vài cánh hoa mận trắng mới giật mình thức dậy. Mùa xuân của đất trời năm nay dường như đến muộn hơn, nhưng trong lòng mỗi người dân Thổ Bình lại đang náo nức đón một mùa xuân mới đang về.
        Những mùa xuân qua
Xã Thổ Bình có 10 thôn, bản, gần 1.200 hộ dân, 5.200 nhân khẩu, 6 dân tộc cùng chung sống bao gồm: Kinh, Tày, Dao đỏ, Mông, Hoa, Cao Lan. Trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 92%. Những năm trước đây, Thổ Bình được coi là vùng đất xa xôi và nghèo khó, người dân trong xã luôn thường trực nỗi lo khi Tết đến, xuân về. Những dư âm của thiên tai giáng xuống mảnh đất này khiến bà con vẫn còn chưa nguôi ngoai. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Chinh ngậm ngùi kể lại: Trận lũ quét năm 2002 đã làm thiệt hại gần 2.000 ha lúa, hàng chục con trâu, bò bị chết. Bao nhiêu công sức của bà con đã bị dòng lũ cuốn đi. Lúc đó, ông Chinh đang còn đảm nhiệm chức vụ Thường trực Đảng ủy xã, nhìn cảnh làng quê tan hoang mà lòng đau xót. Khắc phục khó khăn, lãnh đạo xã đã tìm mọi cách để lo khôi phục kinh tế, giúp bà con thoát khỏi cảnh cơ cực. Việc gấp rút là phải làm sao ngăn chặn được dòng lũ, bởi lũ sẽ còn ảnh hưởng tới những năm sau. Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng kế hoạch trồng rừng với hình thức giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình. Năm tháng đi qua, đất đã không phụ công người, những rừng keo lai, lát đã phủ xanh mảnh đất này. Rừng đã giúp người hạn chế mối hiểm họa từ thiên nhiên.
                                                      Cánh đồng Thổ Bình
Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo để khôi phục kinh tế. Cho đến nay, đời sống kinh tế của nhân dân trong xã đã có nhiều thay đổi, cơ cấu kinh tế được dịch chuyển đúng hướng. Con người đã khiến cho đất không nhàn rỗi. Diện tích đất ruộng 2 vụ đạt gần 400 ha. Ngoài ra, người dân trong xã đã phát triển gần 200 ha cây lạc và đậu tương, nâng thu nhập bình quân lên trên 1 triệu đồng/hộ. Giống chè Khau Mút đang bước đầu hình thành đặc sản của miền sơn cước.
        Náo nức niềm vui mới
Một ngày cuối năm ở Thổ Bình, con đường nhựa được tô điểm bằng màu cờ Đảng, cờ Tổ quốc dọc hai bên. Gần trưa, nhưng sương vẫn giăng khắp đồng ruộng và núi rừng. Thời gian đã chuyển sang xuân nhưng không gian thì vẫn mang cái lạnh giá của mùa đông. Trên cánh đồng thôn Nà Vài, bà con nông dân vẫn đang che chắn ni lông chống rét cho những đám mạ non. Gặp Chủ tịch UBND xã Ma Ngọc Trường khi anh còn đang tất bật với các buổi họp thôn. Anh Trường cho biết, trước Tết, xã dự họp với 100% các thôn, bản để chỉ đạo bà con khắc phục điều kiện không thuận lợi của thời tiết, chủ động các hướng sản xuất. Đồng thời làm công tác nắm bắt tư tưởng của bà con trước thềm xuân mới. Đến nay, toàn xã đã cày đất xong đợt 2, chỉ chờ thời tiết ấm lên là đồng loạt cấy, nhưng chắc chắn phải ngoài Tết Tân Mão. Bà Đặng Thị Lài, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Vài phấn khởi cho rằng, tuy năm nay rét đậm, rét hại, nhưng thôn đã chủ động các biện pháp phòng chống rét cho người, gia súc, gia cầm. Trong năm, bà con trong thôn chưa phải cấy nên có thời gian để chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết. Vụ đông năm nay, thôn phát triển mạnh các cây ngô, khoai, đậu tương, nâng hệ số sử dụng đất lên 3 lần/năm. Do đó, đời sống bà con nhân dân trong thôn khấm khá hơn, nhiều nhà đã sắm ti vi, loa, đài, đầu đĩa sớm để chuẩn bị đón năm mới.
        Cùng với 2 xã trong huyện là Hồng Quang, Bình An và 5 xã của huyện Na Hang, một niềm vui đang lan tỏa chung trong đồng bào ở Thổ Bình về việc tách các xã để chuẩn bị thành lập huyện mới. Đến thôn Vằng Áng, gặp Anh Ma Văn Nầm đang loay hoay lắp cánh cửa nhà của ngôi nhà mới. Gia đình anh thuộc hộ nghèo trong xã, ngôi nhà được nhà nước hỗ trợ và cho vay tiền, anh em họ hàng giúp ngày công để làm. Tết này, vợ chồng anh cùng 2 đứa con sẽ được đón xuân trong căn nhà mới, khang trang hơn. Anh Nầm không giấu nổi niềm vui khi được nghe thông tin xã sáp nhập về huyện mới. Anh cho rằng, quyết định ấy sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống nhân dân thôn của anh. Trường học, bệnh viện sẽ được xây dựng, bà con không phải lo lắng khi phải vượt mấy chục cây số đi khám chữa bệnh, chợ huyện cũng sẽ được xây dựng, người dân có cơ hội giới thiệu, mua bán, trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, đường giao thông dự kiến sẽ được mở, thông với trung tâm huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của nhân dân. Những người vui mừng hơn cả chính là đội ngũ lãnh đạo xã. Ông Hoàng Văn Chinh thổ lộ: Ngoài những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tư tưởng nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và sự đổi mới của Đảng. Trong niềm vui đó, người Bí thư Đảng ủy xã thầm hy vọng, khi thành lập huyện mới, con em các dân tộc trong xã sẽ có cơ hội được công tác ở các cơ quan, đơn vị ngay trên mảnh đất này, mang công sức và trí tuệ đóng góp cho quê hương mình.
        Mùa xuân đã trở lại với mảnh đất Thổ Bình, mang theo niềm vui, sự lạc quan của người dân vào cuộc sống…

Không có nhận xét nào: