25/9/11

Ông giám đốc...chân đất

Ông không đi xe hơi hạng sang, không người tháp tùng, quần áo đôi khi lấm lem bụi đất công trường. Nhưng gần 300 con người trong công ty luôn phải nể phục, vì dưới sự điều hành của ông, họ luôn có đủ "cơm ăn, áo mặc". Cũng bởi ông cá tính, chẳng mấy khi nói về mình.
Khi đến đặt vấn đề viết bài về công ty của ông, tôi nhận được từ ông ánh mắt dò xét: "Thế ông nhà báo hiểu gì về công ty này?". Còn chưa định hình sẽ phải trả lời ra sao, ông lại bồi thêm: "Nói thật, tôi rất ít khi tiếp các nhà báo". Quá "choáng"! Từ khi bước chân vào nghề báo, tôi chưa bị ai đối xử "tàn nhẫn" như thế. Rồi lấy lại bình tĩnh, tôi cũng ậm ừ được vài câu, trong đó cố nhắc đến cái tên "Hòa ba rít" và "khai thác khoáng sản". Thoáng trên mặt bàn làm việc của ông, thấy có mấy tờ báo Lao động, Doanh nghiệp.., thế là thở phào nhẹ nhõm. Chẳng có lý do gì mà người không thích báo chí lại ngổn ngang báo trên bàn làm việc cả! Đó là lần đầu được gặp Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang, ông Trần Duy Hòa.
Quần xắn "móng lợn"
Nếu thấy ông ngồi uống trà cùng tốp người lao động, phanh cổ áo nói chuyện, người ta sẽ nghĩ ngay là một "lão" xe ôm đang chờ đón khách. Tính ông dân dã thế. Nhưng mọi người sẽ phải bất ngờ khi biết ông là vị giám đốc của một doanh nghiệp tầm cỡ ở tỉnh, sở hữu 2 nhà máy chế biến quặng ba rít, mỏ khai thác đá xây dựng, cửa hàng thương mại, dịch vụ, sửa chữa máy công nghiệp và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh với hàng trăm tỷ đồng. Thực ra ông Hòa là người rất quan tâm đến báo chí, nhất là những vấn đề về kinh doanh, sản xuất, việc làm ăn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không quan tâm sao được, nó sát sườn nghiệp của ông. Ông có thể kể ra những cây bút "tầm cỡ" của các tờ báo Lao động, Doanh nghiệp... mà chính tôi cũng chưa thể biết hết được. Tôi nghĩ ông là con người từng trải và tinh tường lắm.
Ông lôi ra đôi giày vải cũ kỹ ở đâu đó, xỏ vào chân và ngoắc tay ra hiệu cho tôi lên xe. Chiếc xe bán tải do ông tự lái đưa chúng tôi lên khu vực khai thác mỏ nằm trên đỉnh núi thuộc thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Trán lấm tấm mồ hôi, vẻ mặt trầm ngâm nhưng không rời mắt khỏi con đường đất đá lổn nhổn ngay mũi xe: "Trước những khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu quặng, làm sao đảm bảo việc làm và thu nhập thường xuyên cho gần 300 anh em không hề là chuyện đơn giản". Cái việc ông gọi nhân viên và công nhân lao động là "anh em" khiến tôi nghĩ, công ty do ông đứng đầu giống như một gia đình lớn, và ông là trụ cột của gia đình đó. Những người làm việc trong công ty bao nhiêu năm nay, ông hiểu tính khí từng người một. Có anh nóng nảy, ngang tàng nhưng được việc, ông vẫn dùng, rồi cảm hóa bằng sự bao dung, độ lượng của mình nên mọi người nể lắm. Ông dẫn tôi đi thăm các điểm khai thác mỏ. Bước thấp bước cao trên công trường, trông ông giống như một công nhân hơn là vị giám đốc. Thấy tôi băn khoăn nhìn những công nhân mói từng viên quặng bé bằng đầu ngón chân, ông giải thích rằng, mỏ này đã khai thác hết, hiện nay công ty đang chỉ đạo công trường tận thu quặng để chờ xin cấp mỏ mới, khó khăn lắm. Rồi ông thăm hỏi anh em công trường ăn ở, sức khỏe ra sao và động viên mọi người cùng nhau cố gắng làm việc. Ông thường gọi mấy anh công nhân bằng "thằng", bởi ông coi họ như những đứa em của ông vậy. "Nhiều khi biết tin mấy đứa trên này thịt chó liên hoan, mình cũng lên tham gia cho vui. Bọn nó ở trên núi buồn lắm!". Khi vui thì hết mình với công nhân, nhưng ông làm việc theo nguyên tắc và khoa học. Chính vì thế mà từ cán bộ quản lý cho đến công nhân, lao động đều hiểu cái cách của ông, răm rắp theo quy trình khai thác và hết sức nghiêm túc trong công việc. Ông đề ra cái phương châm là phải làm sao để người lao động gắn bó với công ty lâu dài, lo cho công ty như trách nhiệm của bản thân đôi với gia đình, vun vén để cái gia đình lớn ấy luôn đầy đặn. Ngược lại, lãnh đạo công ty cũng phải thường xuyên quan tâm sâu sát, đảm bảo an toàn lao động, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động bằng những việc làm cụ thể.

Táo bạo trong cách nghĩ
Đối với vị giám đốc ấy, những gì không thể sản xuất ra được để phục vụ sinh hoạt trong công ty thì mới phải chi tiền. Từ những thực phẩm như rau, lạc, đỗ, cá... phục vụ bữa ăn ca, đến những cánh cửa, bàn ghế bằng gỗ, khung nhà xưởng đều do công nhân làm ra. Chẳng phải do tính "ky bo", mà ông luôn thực tế rằng "tiết kiệm được đồng nào thì anh em có đồng đó để mang về nuôi vợ con". Được như vậy, việc sắp xếp hợp lý công việc cho công nhân luôn quan trọng. Người nào không làm việc nọ thì chuyển sang làm việc khác, không bao giờ có lao động dư thừa. Trước những khó khăn chung mà hầu hết các doanh nghiệp đang gặp phải trong năm 2011, ông đã lãnh đạo công ty mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, công ty đang thúc đẩy việc kinh doanh, thương mại và dịch vụ sửa chữa thiết bị máy móc, ô tô tại Khu công nghiệp Long Bình An. "Khi nhiều nhà máy mọc lên ở khu công nghiệp, ô tô, máy ủi, máy xúc đi lại nhiều, mình đón đầu làm dịch vụ sửa chữa". Nhiều công nhân trong công ty phấn khởi rằng, việc mở rộng sản xuất kinh doanh này đã tạo được việc làm và thu nhập thường xuyên với trên 3 triệu đồng trung bình mỗi người.
Tôi nói với ông: "Nếu chú "khuân" được đám anh chị em công nhân đang khai thác quặng sang siêu thị, sắm váy áo cho họ đứng bán hàng thì đó quả là cuộc cách mạng lớn". Cũng chẳng phải bàn, bởi cách đây hơn 4 năm, ông đã có ý định đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại trên nền Cửa hàng Bách hóa tổng hợp cũ tại phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang). Và đây, cái trung tâm ấy đã sừng sững hiện diện trước bao nhiêu ánh mắt người dân thành phố. Họ hãnh diện rằng một siêu thị với đầy đủ các mặt hàng, có cả cầu thang cuốn giống như "Metro" hay "Big C" ở Thủ đô Hà Nội đã được ngự ngay giữa lòng thành phố trẻ. Người đoán già đoán non, tòa nhà hẳn là của một "đại gia" lắm tiền nhiều của nào đó, mà không hề biết rằng cơ ngơi ấy là công sức của ông và bao nhiêu cán bộ, công nhân đã lăn lộn đổ mồ hôi, sôi nước mắt đã dành dụm được. Nhiều người bảo ông liều quá, từ khai thác khoáng sản, nghề chỉ biết đến bụi bặm, lấm lem mà dám quyết đầu tư một đống tiền để bươn sang cả lĩnh vực thương mại. Lý do là cách quản lý, xuất, nhập kho và bán hàng của một siêu thị không đơn giản như bán hàng ở một cửa hàng thông thường, mà phải theo quy trình có bài bản. Đội ngũ nhân viên siêu thị cũng phải có nghề. Nhưng trong đầu ông, mọi chuyện như đã được sắp đặt từ trước. Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công nhân làm việc tại Trung tâm Thương mại cũng đã nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo công ty. Người nào phù hợp với công việc gì sẽ được phân công rõ ràng.

Ngẫm một đời người được sống bằng một nghề cố định thì quả là may mắn. Ông Hòa đâu được như thế. 5... tuổi, ông vẫn luôn luôn suy nghĩ và vận động không ngừng. Doanh nghiệp là thế đấy, luôn phải nắm thời thế, chạy theo và thích nghi với thời cuộc. Nhiều khi đau đầu, ông bụng bảo dạ nghỉ cho an nhàn, nhưng rồi cái "máu" kinh doanh trong con người ông lại trỗi dậy, khó cưỡng. Cũng có lẽ, nếu ông có khả năng và còn sức mà lại không làm thì anh em nó "khinh" cho. Chắc do cái "số" phải làm thủ lĩnh đã gán cho cuộc đời ông, nếu không cố gắng, ngần ấy con người sẽ biết xoay sở ra sao với cuộc sống trước mắt? Ít ra thì ông cũng phải gây dựng được cơ ngơi cho đàng hoàng, để sau này, ông không dễ gì bị mang tiếng là "đem con bỏ chợ".
Ở con người vị giám đốc đầy cá tính này luôn tồn tại những mâu thuẫn: Thứ mà ông bảo không thích thì thực ra ông nắm rất rõ, điều ông bảo không quan tâm nhưng thực tế rất chỉn chu, và khi ông chỉ trăn trở về hiện tại thì lại hứa hẹn một tương lai tươi sáng...

Không có nhận xét nào: