16/4/12

Khu tập thể ngày ấy

Tôi nhớ mang máng rằng, khi bắt đầu nhận biết được mọi sự vật xung quanh mình thì gia đình mình đã ở trong khu tập thể ấy. Đó là những dãy nhà vách bằng phên, mái lợp giấy dầu dành cho những gia đình cán bộ của huyện Yên Sơn. Khu tập thể hồi đó tận sáu dãy nhà, mà mỗi dãy phải có đến mười gian. Tôi bé quá nên cũng chưa đi chơi hết các gia đình ở đó.
Khi tôi vào lớp một, cô tôi mang quà của ông nội cho tôi. Đó là một chiếc cặp nhựa mới toanh. Bên trong còn để một bó phốp bằng tre hóp vẫn còn tươi nguyên. Tôi sung sướng mang khoe với bọn bạn ở khu tập thể. Chúng nó thèm lắm. Khi bọn trẻ được tận hưởng tiếng nổ ròn tan thì cũng là lúc mà đũa trong chạn bát nhà tôi vơi dần đi, mẹ tôi thì cứ thắc mắc mãi mà không hiểu vì sao. Đến khi nhặt được một chiếc đũa vót dở rơi ở gầm chạn thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Với tôi, nếu không nhờ những chiếc đũa có sẵn thì làm sao tôi có thể tự vót nổi một thanh tre thành cái cán phốc nhẵn và thẳng như thế được.

Nhà ông Vườn ở ngay đầu dãy tập thể, xong đến nhà tôi. Cái Hoa con ông Vườn học hơn tôi hai lớp. Trước khi đi làm, bố tôi viết mẫu một loạt chữ cái vào các đầu dòng trong quyển vở ô li của tôi rồi bảo ở nhà tập viết. Bố vừa ra khỏi nhà, cái Hoa từ đâu chạy về rủ:
- Này, đi chơi “đồn” đi! Bọn thằng Luyện khuỳnh đang đợi ngoài mương kia kìa.
- Nhưng mà bố tao bắt tao phải tập viếp! - Tôi tỏ ra tiếc nuối.
Cái Hoa sốt sắng:
- Mày đưa đây tao viết hộ cho, xong đi chơi nhé!
Thấy hợp lý quá, tôi đưa liền cho nó. Một loáng sau, quyển vở của tôi đã chi chít chữ, tôi nể phục nó lắm. Mà nó tài thật, tôi cặm cụi viết mãi mới được mấy chữ run run, nó chỉ ngoáy một lúc là xong. Vậy là buổi sáng hôm đó, tôi được nô đùa thả phanh cùng lũ bạn. Nhưng mọi chuyện đâu có được suôn sẻ như thế. Buổi trưa, bố tôi về, hỏi viết bài xong chưa, tôi ngẩng cao đầu tự đắc. Ông cầm quyển vở xem một lúc thì mắt long lên. Thế là tôi lại bị mấy cái roi quất lằn cả mông. Khổ nỗi, hồi ấy tôi nào có biết là người lớn thì có thể phân biệt được nét chữ của bọn trẻ con chúng tôi đâu.
Thằng Quang con ông Dìn trắng trẻo, đẹp trai nhất bọn, nhưng nó cũng không phải vừa, bầy ra đủ trò oái oăm. Những trưa hè, từ trai đến gái không có đứa nào ngủ bao giờ. Cứ ăn cơm xong là rủ nhau lên huyện “đi tuần”. Khu tập thể cách huyện chỉ khoảng 300 mét, chỉ cần vù một cái là tới nơi. Trên huyện nhiều mít, mít mật, mít dai, mít na. Vài hôm lại có quả chín. Mọi người đi ngủ trưa, bọn tôi lại chọc trộm và mang ra chỗ an toàn cùng nhau hưởng chiến lợi phẩm. Thế rồi trong nhóm cũng có chuyện buồn. Một hôm, mọi người trong khu tập thể xôn xao rằng thằng Quang theo anh nó đi mò ốc ở hồ bị trâu húc. Chúng tôi đứa nào đứa ấy xanh mặt, chạy một mạch ra phía hồ, thấy mọi người xúm vào khiêng nó lên, mặt bê bết máu. Cũng may thế nào nó chỉ bị vào mũi, đưa lên viện khâu. Cái thằng đẹp trai nhất bọn sau đó có một vết sẹo làm lệch cả sống mũi. Từ ngày ấy nó lại có thêm tên mới là Quang “tẹt”.

Thằng Luyện khi đẻ ra chân nó hơi khuỳnh nên bố mẹ nó gọi là Luyện khuỳnh. Nhà nó có 4 chị em, nó là anh của hai thằng em trai. Nó bảo chú nó ở trên Mèo Vạc thỉnh thoảng xuống chơi và dạy võ Tàu cho ba anh em nó nên tôi cũng thấy hơi “chờn”. Sau này phát hiện ra nó là một đứa toàn nói phét nên tôi cũng chẳng sợ lắm. Nó cậy có ba anh em trai nên đi đâu cũng hống hách và hay gây sự với tất cả bọn trẻ trong khu tập thể. Mỗi lần có xích mích là ba anh em nó đều có mặt mà “xuống tấn” như trong phim chưởng. Dù thế nào thì cũng chỉ vài ngày, chúng tôi lại chơi với nhau, thân thiết như không có chuyện gì xảy ra.
Kể ra, ở nhà vách phên lợp giấy dầu nhiều khi tiện lợi nhưng cũng bất tiện. Tiện là ở chỗ nhiều gia đình bí lên toàn xé miếng giấy dầu trên mái nhà để nhóm bếp, thành ra mái nhà ai cũng nham nhở như răng bà lão. Bất tiện là nhà ai mà nói chuyện hoặc vợ chồng có trót có to tiếng với nhau thì hàng xóm cách mấy gian nhà cũng nghe thấy. Trời mưa, bố tôi thường xé miếng giấy dầu ở ngoài mái hiên giắt lên những chỗ mưa dột. Nền nhà làm bằng đất nên mưa là bẩn lắm, nhớp nháp như ngoài sân. Mẹ tôi toàn phải lấy gio bếp rắc lên và di đi di lại để đi cho đỡ trơn. Những hôm gió to, cả dãy tập thể lại nhốn nháo, cột kèo kêu răng rắc. Mẹ tôi kể lại, khi đang cùng em thứ hai tôi nấu cơm, căn bếp ọp ẹp bỗng nhiên nghiêng ngả và đổ sụp xuống, khi đó mẹ đang mang bầu em út, may thay ba mẹ con không bị làm sao. Gần chục năm thì khu tập thể được nhà nước xây mới bằng gạch và lợp ngói. Bọn trẻ chúng tôi đứa nào đứa nấy lớn lộc ngộc, cuộc sống cũng bớt khổ hơn đôi chút.
          Bây giờ, gia đình mỗi đứa đã ra ở riêng. Nhưng ký ức đi theo cuộc đời chúng tôi sẽ mãi là khu tập thể ngày nào.

Không có nhận xét nào: