Cao Bình là thôn vùng cao của xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa). Do điều kiện địa hình, cho đến nay, cả thôn không có nước để sản xuất, cây lúa chỉ biết dựa vào nguồn nước duy nhất là mưa. Thế nhưng, sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống đã giúp con người không chịu khuất phục trước thiên nhiên. Để rồi, những mầm xanh vẫn nhú lên từ tấc đất khô cằn, và cuộc sống nơi đây vẫn cứ nảy nở, sinh sôi…
Nếu như cách đây hơn 5 năm về trước, trong ý nghĩ của nhiều người, Cao Bình vẫn là một mảnh đất xa xôi và nghèo khó, con đường dốc dài hơn 3 cây số từ trung tâm xã lên đến Cao Bình chỉ là một lối mòn đủ cho một người đi, khiến nhiều “tay lái” cũng phải thấy ái ngại. Thì nay, đường đã được mở rộng tới 3 mét, như một dải lụa trải từ trên đỉnh núi xuống. Chưa bao giờ như thời điểm này, người dân thôn Cao Bình lại muốn được khẳng định mình đến thế. Có lẽ xuất phát từ những điều kiện không thuận lợi từ thiên nhiên mà người dân nơi đây đã gắng sức vươn lên bằng chính bàn tay và khối óc của mình.
Đường lên thôn Cao Bình
Tìm đến nhà trưởng thôn Lý Tiến Thắng đúng lúc anh đang triệu tập bà con họp thôn tại Nhà văn hóa. Chúng tôi lại tranh thủ đi một vòng để tham quan mảnh đất được coi là “khỉ ho, cò gáy” này. Thôn Cao Bình có 58 hộ dân với trên 350 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao đỏ và dân tộc Tày. Mấy năm nay, giao thông phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thôn được học tập, giao lưu và mua bán, trao đổi hàng hóa. Toàn thôn có trên 24 ha ruộng. Tuy nhiên, do thiếu nước nên mỗi năm ở Cao Bình chỉ sản xuất có một vụ lúa. Trong bữa cơm trưa ở nhà trưởng thôn Lý Tiến Thắng, anh cho biết: Từ khó khăn đó, thôn đã tự tạo ra góc nhìn mới về cây lạc, cây ngô, hy vọng người nông dân sẽ phát triển từ nông sản quen thuộc này, bù đắp lại những thiếu hụt của cây lúa. Năm 2006 thôn có 11 ha lạc, đến năm 2010 đã phát triển được 19 ha, đạt gần 80% tổng số diện tích đất ruộng. Mỗi vụ thu hoạch lạc đã cho mỗi gia đình thu trên 1 triệu đồng. Ngoài ra, chăn nuôi cũng được Cao Bình chọn để chuyển hướng nhằm ổn định đời sống. Trong mấy năm gần đây, thôn đã tập trung chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và quan tâm đến nguồn thức ăn lâu dài, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Anh Lý Văn Thọ tâm sự, gia đình anh đang thuê thợ mộc trong thôn để làm cửa, bàn ghế và các vật dụng cần thiết cho căn nhà vừa dựng. Từ nay, vợ con anh sẽ được ở trong căn nhà khang trang hơn.
Khi màu xanh bắt đầu nhuốm lên mảnh đất vùng cao này, tỏa hương vị của sự no ấm, cũng là lúc mà người dân trong thôn bắt đầu quan tâm đến đời sống của mình. Tại thôn hiện có 1 điểm trường với 24 học sinh, 18 cháu mẫu giáo. Trẻ em được học phổ thông tại các trường xã, huyện và tỉnh. Có nhiều nguời đỗ đạt và đang tham gia công tác tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Các hộ trong thôn hầu hết đều có xe máy, ti vi, loa đài và các trang thiết bị phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần khác. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thường xuyên quan tâm. Bức tranh Cao Bình đang hiện lên với gam màu xanh tràn đầy sức sống và được chấm phá bằng những nét đậm đà của bản sắc người Dao đỏ, người Tày. Bức tranh ấy như nói lên rằng, người dân Cao Bình hoàn toàn có thể đủ ăn và làm cho cuộc sống khấm khá lên từ chính mảnh đất này.
Dù chưa phải đã hết những khó khăn và nỗi trăn trở của người dân Cao Bình. Vẫn còn đó nỗi lo về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, về nước sản xuất, đặc biệt là lưới điện quốc gia vẫn chưa đến được với bà con của thôn. Tuy nhiên, trên tất cả nỗi lo toan đó là khát khao chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, ý chí vươn lên thoát nghèo đáng khâm phục của mỗi người dân thôn Cao Bình. Có quyết tâm cùng sự đồng lòng, Cao Bình sẽ gặt hái được thành công từ chính những thành quả của ngày hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét