21/2/13

Sứ mệnh của "ông trâu" thắng cuộc


Những thân hình cao lớn vạm vỡ với thế nghênh chiến oai phong, những miếng hổ lao, đánh dập dũng mãnh, hay cái uy với đối phương… để có giây phút ngẩng cao đầu. Nhưng rồi mọi ông trâu”bất khả chiến bại trong các cuộc so tài cũng đều được hóa kiếp thành “ông Cầu” để về chầu giời. Trong quan niệm của người dân Hàm Yên, tìm ra con trâu thắng cuộc để dâng tế thần linh sẽ giúp họ có thêm niềm tin trong lao động.


Những cuộc giao tranh để tìm cái nhất
Qua mấy mùa lễ hội chọi trâu rồi, người dân Hàm Yên vẫn khấp khởi đón chờ bằng cả sự kỳ vọng vào những đổi thay cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ. Không năm nào sân vận động trung tâm huyện Hàm Yên – nơi diễn ra Lễ hội chọi trâu giảm lượng người đến xem. Còn nhớ, lễ hội năm 2012, khắp các ngả đường từ sáng sớm, người dân nghìn nghịt bồng bế, dắt nhau đi xem hội trong mưa phùn gió bấc. Sân vận động chật kín người. Tiếng va sừng lốc cốc của các cặp đấu lẫn trong tiếng hò reo không ngớt trên khán đài làm nên một không khí náo nhiệt chưa từng có.
Năm nay cũng thế, ngày thứ hai diễn ra các trận đấu, phố huyện nhỏ bé lại được đánh thức bởi dòng người đổ về mỗi lúc một đông. Lễ hội nơi phố huyện không thể tưng bừng hơn. Công tác tổ chức, an ninh, bảo vệ cũng được chuẩn bị chu đáo hơn năm trước. Công an huyện đã huy động tối đa lực lượng gồm trên 60 người, chia làm 17 tổ làm công tác trật tự sân bãi, điều khiển người tham gia giao thông trên khắp các tuyến đường vào trung tâm huyện. Ước tính có khoảng gần 30 nghìn khán giả trên các khán đài theo dõi các kháp đấu. Trong 16 cặp trâu tham gia vòng chung kết năm năm nay, nhiều “ông trâu” có thân hình cao to vạm vỡ, trọng lượng lớn hơn những năm trước. Các chủ trâu cho biết, có được điều đó là nhờ sự công phu trong việc tuyển chọn giống trâu chọi từ khắp các địa phương trong cả nước và nước ngoài về. Nhiều chủ trâu đã cất công vào tận Tây Nguyên, miền Nam, sang cả nước bạn Lào để mua trâu về chăm sóc và huấn luyện. Do đặc thù của từng nơi, trâu thường được dùng để kéo gỗ nên đã hình thành giống trâu to, khỏe. Ông Trần Văn Trung ở tổ nhân dân Ba Chãng, thị trấn Tân Yên cho rằng, mặc dù từ xưa, huyện nổi tiếng có giống trâu Ngố cao to. Nhưng để tăng cường thêm sức mạnh, ông đã lặn lội vào tận Cần Thơ và nước Lào để mua 3 con trâu chọi. Và cả 3 con trâu của ông Trung đều thắng cuộc ở ngày đầu tiên, được vào vòng chung kết.
Xen lẫn những kháp đấu nảy lửa là những câu chuyện truyền thuyết về nguồn gốc lễ hội chọi trâu ở Hàm Yên của người bình luận trên sới. Rằng, ngày xưa thấy dân dưới hạ giới còn nghèo đói, Ngọc Hoàng đã ban cho địa phương con trâu Ngố cao to để nhân dân cày kéo. Biết ơn trời đất, hàng năm vào dịp đầu xuân, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội chọi trâu, chọn ra ông trâu chiến thắng để hoá kiếp thành “ông Cầu”, mang tế tại đền, tỏ lòng biết ơn trời đất đã ban cho muôn dân có mùa màng bội thu, xua tan nghèo đói. Về sau giặc ngoại xâm tàn phá, người dân không có điều kiện để duy trì lễ hội này. Nay đất nước thanh bình, dân khang, vật thịnh, người dân lại nhớ tích xưa mà khôi phục lại, một phần tiếp tục tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh; một phần duy trì tín ngưỡng tâm linh, tạo niềm tin cho nhân dân tham gia lao động sản xuất.


Tiếng trống giục, tiếng cổ vũ reo hò vang động không gian sới chọi khiến cho các kháp đấu thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, mỗi ông trâu đều có cách chiến thắng của riêng mình. Có ông trâu luôn diễu võ dương oai để cho đối phương phải nể cái uy của mình; có ông thì tỏ ra lì lợm, can trường trước đối thủ cao to hơn về tầm vóc; còn có ông lại mang khí thế của một chiến binh dũng cảm, xông trận như vào chỗ không người, dùng các miếng hổ lao, đánh dập, cáng hiểm để hạ gục đối phương. Nhưng trong trận chung kết để tìm ra kẻ chiến thắng, nhiều khán giả tỏ ra không được mãn nhãn, ông trâu số 17 của chủ trâu Lâm Duy Hoàn, xã Thắng Quân (Yên Sơn) đã chứng tỏ được bản lĩnh của nhà vô địch: nhẹ nhàng, uy lực và không làm cho đối thủ phải đổ máu. Phải chăng, trong tâm linh, dấu hiệu đó đã nói lên một điều lành cho năm mới? Điều ấy còn thể hiện được sự dày công trong huấn luyện của chủ trâu, đồng thời nêu cao tinh thần thượng võ và tính nhân văn của người Việt.
Ông trâu chiến thắng đã được hóa kiếp thành “ông Cầu” để nhân dân rước lên đền Bắc Mục làm lễ tế đầu trâu. Khi làm lễ, lần lượt tiếng chuông, trống, chiêng, khánh từng hồi vang lên tiễn “ông Cầu” thăng. Người dân quan niệm rằng, “ông Cầu” sau khi “thăng” sẽ để lại lộc cho muôn dân hưởng thụ. Ý nghĩa của lễ này được ông Nguyễn Văn Thắng, thủ nhang đền Bắc Mục giải thích: “Đây là nghi lễ để con người cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho lễ hội thành công tốt đẹp, đồng thời cầu cho đàn trâu của địa phương mãi mãi sinh sôi, giúp cho mùa màng trong năm mới bội thu, nhà nhà no ấm”.



Dư âm ngày hội
Năm nào xem hội cũng gặp những vị khách ở ngoài tỉnh đến Hàm Yên. Hội năm ngoái, ông Phạm Ngọc Dũng, Tạp chí Đông Nam Á (Hội Nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam) hứa như đinh rằng năm nay phải lên Hàm Yên từ sớm để thưởng thức toàn bộ các lễ hội từ Động Tiên – Chợ Quê đến Chọi trâu. Nhưng do bận nhiều việc nên ông chỉ có mặt trong ngày thứ 2 diễn ra vòng chung kết chọi trâu. Ông Dũng tâm sự: “Chọi trâu ở Hàm Yên mộc mạc, đơn giản nhưng cực kỳ ấn tượng bởi những nét rất riêng của phố núi như khung cảnh, con người và không khí của ngày hội. Mỗi lần xem lại bộ ảnh chọi trâu năm ngoái chụp lại nhớ lễ hội, chỉ mong đến ngày để lên Hàm Yên ngay”. Ngay cạnh sới chọi, người đàn ông lỉnh kỉnh đeo quanh người toàn máy ảnh “khủng” giới thiệu là Hoàng Minh Trụ ở Chi hội Nhà báo Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ông Trụ cũng bảo từ khi Hàm Yên tổ chức chọi trâu, không năm nào ông vắng mặt. Ngoài săn tìm những bức hình đẹp, ông còn có niềm đam mê xem trâu chọi. Đầu xuân đi xem hội về, có tinh thần sảng khoái, sức lực tràn trề, sẵn sàng cho những chuyến sáng tác.

Không thể kể hết niềm vui của người dân địa phương có mặt trong hội. Người đi xem chọi trâu không chỉ vì thích thú, hiếu kỳ với những màn rượt đuổi hấp dẫn, màn đọ sức quyết liệt, họ muốn đến sới chọi để được tận mắt nhìn thấy “ông trâu” vô địch, một số người còn muốn được chạm tay vào thần may mắn - “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Chẳng có lý do gì mà bà Đặng Thị Nem, dân tộc Dao Quần trắng ở thôn 7 Minh Phú, xã Yên Phú đã trên 60 tuổi nhưng năm nào cũng cùng con cháu có mặt tại sới chọi. Đậm đà trong trang phục của dân tộc mình, bà Nem bỏm bẻm: “Cả năm mới có một ngày thế này, ai mà chẳng muốn đi. Cả làng rủ nhau xuống huyện từ sáng sớm cơ mà. Trẻ con thích lắm, người lớn cũng vậy, hết hội lại về đi làm đồng”. Phải nói rằng Yên Phú được thừa hưởng tất cả nét đẹp từ cổ xưa đến hiện tại: từ câu chuyện truyền thuyết về núi Chân Quỳ, lễ hội Động Tiên, văn hóa dân tộc giàu bản sắc đến sự thay đổi mạnh mẽ để thành mảnh đất năng động của huyện. Người dân xã Yên Phú cần cù chịu khó, mạnh dạn trong nếp nghĩ. Nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, nhiều hộ gia đình trong xã đã phát triển mạnh mẽ cây thanh long và cây phật thủ. Đây là những giống cây mới được người nông dân trồng thử nghiệm và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2012, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập trên trăm triệu đồng. Cây thanh long và phật thủ giờ đây đã mở ra một hướng đi mới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân trong xã.
Gặp lại ông Nông Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Bạch Xa trong hội, ông cười đầy vẻ tự tin: “Bạch Xa có giống trâu to khỏe nổi tiếng ở huyện. Biết đâu trong tương lai, xã sẽ là nơi cung cấp nguồn trâu chọi cho lễ hội truyền thống của huyện. Gìn giữ đàn trâu, trong năm 2013, xã phấn đấu phát triển lên 600 con. Để đạt được mục tiêu đó, xã vận động nhân dân duy trì đàn trâu sinh sản. Mặc dù hiện nay thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhưng đàn trâu của xã vẫn luôn được coi trọng, mỗi hộ gia đình sẽ xem đó là một tài sản có giá trị”.
Hàm Yên là huyện vùng cao, có 12 dân tộc cùng chung sống. Với địa hình đặc thù của miền núi, kinh tế nông lâm nghiệp vẫn được huyện xác định làm hướng đi chủ đạo. Năm 2012, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt gần 550 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2011; sản lượng lương thực quy thóc đạt 54 nghìn tấn, tăng 3,6% so với năm 2011. Trong những năm gần đây, đời sống nhân dân đang từng bước được nâng lên. Cây cam sành đã trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện và hình thành thương hiệu nổi tiếng. Hơn thế, cây cam sành đã cho nhiều người dân thu nhập tiền tỷ, đặc biệt là đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng cao.
Lễ hội chọi trâu Hàm Yên mỗi năm chỉ tổ chức một lần. Nhưng dư âm của hoạt động văn hóa đặc sắc này còn theo người Hàm Yên trong cả một năm lao động sản xuất. Câu chuyện truyền thuyết và tín ngưỡng về lễ hội chọi trâu đầu năm sẽ mãi là động để lực nuôi dưỡng niềm tin của người dân vào cuộc sống.

11/10/12

Mùa cơm lam chín

 “Lúa sắp chín cũng là lúc tre vừa tới tuổi”. Đấy là cách đánh dấu thời gian vào vụ làm ăn của những người đốt cơm lam ở xóm Suối Khoáng, xã Phú Lâm (Yên Sơn). Bám nghề trên dưới 20 năm nay, họ chỉ cần ngửi mùi cơm từ những ống tre đốt trong lửa là có thể biết chín hay chưa.
Khói, mồ hôi và cơm trắng
Ngày cuối thu. Đường vào xóm Suối Khoáng trải nhựa êm ru. Chưa nhìn thấy cơm lam đâu, nhưng gió đã mang mùi hương thơm phức đi khắp nẻo đường như mời gọi. Có đến gần chục đụn khói nhỏ hiện ra dọc hai bên đường vào trung tâm xóm Suối Khoáng - Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm. Chốc chốc lại có vài bóng người lúi húi cời lửa bên bếp.

Tấp xe vào ven đường, cạnh tấm biển “Hạnh Vượng chuyên cơm lam”, người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần đang rạp mình thổi lửa đốt những ống tre xanh mướt. Trán nhễ nhại mồ hôi, ông ngước lên: “Chú mày lấy cơm lam à?” Tôi thanh minh rằng chỉ muốn chụp mấy kiểu ảnh. Người đàn ông đó là Nguyễn Hữu Vượng, làm nghề đốt cơm lam tại đây đã trên chục năm nay. Vừa cặm cụi làm, ông Vượng vừa tiếp chuyện: “Vậy hôm nay chú vào là đúng dịp đấy! Thường khi trời se lạnh, khách du lịch vào tắm khoáng, cánh bọn anh mới bắt đầu đốt rộ!” Ông Vượng quệt mồ hôi nói. “Ngày bình thường, chỉ đốt khoảng 100 ống. Nhưng vào mùa du lịch, có ngày tiêu thụ đến 500 ống, phải thuê thêm người làm. Giá bán lẻ bây giờ 10 nghìn một ống, giao buôn thì 7-8 nghìn, thu về 5 triệu đồng. Nói thật với chú, trừ các khoản chi phí cũng lãi được một nửa. Một ngày đốt cơm lam bằng cả vụ lúa”.
Những đốm lửa đỏ li ti theo làn khói xanh bốc lên mỗi khi ông Vượng dụi cái cặp bếp vào. Có đến gần năm chục ống cơm lam được ông bắc lên kiềng đốt làm một mẻ. Tre bánh tẻ xanh nõn, nước trong ống sôi xình xịch, mùi gạo nếp và nước cốt dừa ngầy ngậy toả hương. Ông Vượng bảo đó là dấu hiệu cơm sắp chín. Tôi hỏi ông: “Bao nhiêu người đốt cơm lam thế này, liệu cả xóm có bị khói “hun” không?” Ông Vượng nhíu mày: “Thế chú mày muốn ăn cơm lam luộc à? Đây là cách làm đặc trưng của cơm lam, chỉ có đốt bằng củi thì cơm mới thơm ngon. Với lại, khói cơm lam cũng chẳng đến mức ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hai chục năm nay, người ta đã đốt cơm lam ở đây, có ai làm sao đâu!”. Tôi thấy ông nói cũng hợp lý.

Cách đó vài chục mét, cả gia đình bà Hoàng Thị Lợi cũng mỗi người một việc: ông chồng thì cưa ống tre, đứa con gái chẻ ống cơm, còn bà Lợi luôn tay tiếp mấy thanh nòm vào bếp cho đều lửa. Gia đình bà Lợi có 4 người thì 3 người không có lương, nên sống bằng nghề đốt cơm lam. Ông Hồng, chồng bà cầm cặp gắp những ống cơm lam trên bếp ra cho cô con gái róc bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Những ống tre xù xì bỗng chốc được lột xác thành hình hài mới. Vỏ ống mỏng tang, bóc ra trắng ngần, sẵn sàng phục vụ khách hàng. Vừa làm, ông Hồng vừa khoe câu thơ mới “sáng tác”, nghe thấy ngồ ngộ: “Nhớ ôi Suối Khoáng cơm lên khói. Cơm lam mùa em thơm nếp xôi”. Tôi chợt nghĩ, những người đã từng là lính, bây giờ mà nếm lại mùi cơm lam, nghe câu thơ đó chắc phải nhớ một thời “mưa dầm, cơm vắt” lắm.
Năm 1988, khi còn khoẻ, ông Hồng chuyên vào rừng lấy tre bán cho những gia đình làm cơm lam trong xóm. Được vài năm, khi đã học được chút kinh nghiệm, bà Lợi bảo chồng ở nhà cùng vợ con đốt cơm lam bán cho khách du lịch. Làm cơm lam không khó như nhiều người nghĩ. Nhưng làm sao giữ thương hiệu cũng như chất lượng của cơm lam Suối Khoáng, bà Lợi cho rằng, họ phải chấp nhận “nhọ mặt” từ sáng đến tối. Trước khi đốt, gạo phải được ngâm ít nhất 4 tiếng đồng hồ với nước cốt dừa, nước gừng hoặc các loại nước tạo hương khác. Theo kinh nghiệm của bà, tre dùng làm ống lam nếu già hoặc non quá cũng không tốt. Chuẩn phải là tre gai bánh tẻ, được lấy đúng vào thời điểm lúa sắp chín, lá đang “xoè cánh én”. Làm và bán cơm lam lâu năm ở đây, bà Lợi bắt được “thóp” khách du lịch vì họ cho rằng “nếu đến Suối Khoáng mà không ăn cơm lam thì coi như chưa đến Suối Khoáng”.
Ông Hồng khoe rằng, thành phố Tuyên Quang tổ chức thi thổi cơm lam, xã An Tường mời vợ mình đi làm cố vấn cho đội đi thi. Ông nghĩ, ở cái xóm Suối Khoáng này, nhà nhà đốt cơm lam, người người đều đốt cơm lam, đâu phải ai cũng được người ta mời như thế. Ông Hồng tự hào lắm vì nhà mình cũng có “nghệ nhân” với kinh nghiệm đầy mình.


Đưa cơm lam ra phố
Từ rất sớm, vườn hoa công viên cạnh dòng sông Lô, thuộc tổ 7 phường Tân Quang nườm nượp người đến xem. Có đến hàng chục phóng viên từ Trung ương và địa phương đã phục sẵn để ghi lại những khoảnh khắc của ngày hội.
Gặp bà Lợi đang tranh thủ “huấn luyện” và bàn “chiến thuật” cho các thành viên của đội An Tường trước phần thi. Do quy định của phần thi đốt cơm lam rất “xương”, chỉ có 45 phút để hoàn thành sản phẩm cơm lam. 8 ống tre và 2 cân gạo nếp, đòi hỏi các đội tham gia thi phải tính toán kỹ. Bà Lợi đã phải mất 2 buổi đi “thửa” ống lam cùng với mọi người trong đội. Gạo được đong đếm, cắt gọt ống tre đến khi vừa vặn mới thôi.
Phần thi thổi cơm lam đã diễn ra chớp nhoáng. 12 đội đến từ các xã, phường, thị trấn của thành phố Tuyên Quang tham gia, mỗi đội có 3 người, vừa tra gạo, đổ nước vào ống rồi mang đến địa điểm đốt. Người đun bếp, người quạt, người xoay ống, không khí tấp nập. Chẳng mấy chốc mùi thơm của gạo nếp, nước gừng, nước cốt dừa quyện với ống tre toả ngát góc phố. Nguyễn Minh Châu, phóng viên của VOV mồ hôi nhễ nhại, mắt đỏ hoe vì khói, cứ lăng xăng chạy qua chạy lại để phỏng vấn người thi. Châu tấm tắc: “Mùi cơm lam quá hấp dẫn. Chỉ ở Tuyên Quang, cơm lam mới có hương vị này!” Châu nằng nặc với người đốt cơm lam mà anh vừa phỏng vấn rằng, kết thúc cuộc thi phải cho anh xin bằng được vài ống cơm lam.
Không ngờ, ở phía đối diện địa điểm diễn ra hội thi, bố con ông Hồng cũng theo bà Lợi ra hội, nhưng không phải cố vấn, mà đi…bán cơn lam. Ông Hồng bảo, sau khi đốt để qua đêm, cơm nguội đi nhưng giữ được độ dẻo và kết dính. Lớp màng mỏng của ống tre sẽ dính chặt vào cơm chính là một trong những yếu tố làm nên hương vị đặc trưng của cơm lam. Rất đông khách xem đã đến chọn mua cơm lam. Nửa buổi, hơn 100 ống cơm lam mà bố con ông Hồng mang ra đã bán hết. Nhiều người từ xa đến tỏ vẻ tiếc nuối, ông Hồng lại chèo kéo khách: “Mời các bác vào trong quê em tắm khoáng rồi ăn cơm lam!”
Bây giờ, không còn chuyện khách du lịch kêu ca rằng đường vào Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm khó đi nữa. Đi ô tô từ trung tâm thành phố vào Suối Khoáng theo Quốc lộ 37 chỉ hết có 10 phút đồng hồ. Khi dịch vụ tắm khoáng được Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đã thường chọn Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm làm điểm đến để nghỉ dưỡng. Sau khi ngâm mình trong nước khoáng, cảm giác đói, khách lại có cơm lam chấm với vừng đen để nhâm nhi và mua về làm quà cho gia đình. Cuộc sống của gia đình bà Lợi, ông Hồng, ông Vượng và hàng chục người dân làm nghề đốt cơm lam trong xóm cũng khấm khá lên từ đó. Cách đây ít năm, nhà cửa của người dân còn lụp xụp là thế, vậy mà nay nhà nào cũng xây mấy tầng, đông vui như ngoài thành phố.
Đốt cơm lam ở Suối Khoáng không chỉ là nghề cho thu nhập chính của người dân ở đây, mà còn tạo một trong những sản vật cần thiết để góp phần phát triển du lịch của địa phương.

3/9/12

Bóng chiều

Chiều nắng xiên xiên qua ngọn tre đầu làng, tãi xuống tóc bọn trẻ. Nắng làm cho đứa nào đứa nấy mặt đỏ au, bóng dài lêu nghêu trên đất, đến quả bóng đá cũng bị méo.
Những buổi chiều hè, khi trận bóng còn chưa xong, vài dáng người đi đâu về đã lấp ló ở đầu ngõ, liêu xiêu cưỡi xe đạp. Chưa bao giờ bà nội tôi đi bán cá về sau khi trận bóng của bọn trẻ chúng tôi kết thúc. Lần nào, bà cũng xách thêm một thứ gì đó cho riêng tôi và ới từ đằng xa “Cu ơi về cơm đi!”. Những lúc lăng xăng đi bên cạnh bà, tôi nhìn bóng của bà in trên đường chẳng bao giờ thẳng.

Chiều không nắng, không có bóng liêu xiêu nào đổ xuống. Người người đi về chênh vênh như không dính vào mặt đường. Đội bóng của bọn chúng tôi hình như ít người hơn vì không có cái bóng nào bám chặt lấy mình, tha hồ mà rê dắt. Quả bóng tròn vành vạnh, khiến cho những đôi chân chúng tôi sút trúng hơn. Cho dù đoán được giờ bà đi chợ về, nhưng phải đợi dáng người của bà ló ra hẳn bụi cúc tần ở khúc cong, tôi mới có thể nhận ra.
Chiều mưa, ngõ vắng tanh, xa thẳm. Những ngọn tre đầu làng trông ủ rũ vì không có nắng. Còn bọn trẻ trong làng, đứa nào cũng thấy cuồng đôi chân vì phải nhịn đá bóng. Từ đầu ngõ đến cuối ngõ, có hàng trăm, hàng nghìn quả bóng thi nhau mọc lên và trôi trên mặt đường, nhưng quả nào rồi cũng bị vỡ tan tành trong phút chốc. Những chiều mưa như thế, chẳng mấy người đi từ ngõ về làng. Có người xùm xụp cái áo mưa, nên tôi cũng không thể phân biệt được ai.
Rồi đến những buổi chiều mãi sau này, dù trời nắng, trời mưa hay trời râm, cũng không thể còn có cái bóng hay dáng cong nào của bà tôi in trên ngõ về làng nữa…
Bây giờ, ngõ vào làng hình dáng vẫn thế, nhưng được trải bê tông phẳng phiu. Những ngôi nhà cao tầng đổ bóng xuống mặt đường. Bọn trẻ con không còn đá bóng ở ngõ như chúng tôi trước kia nữa vì sợ bóng làm vỡ cửa kính. Đầu ngõ không còn ngọn tre kẽo kẹt hứng nắng chiều. Cả bụi cúc tần ở khúc đường cong, cũng được thay bằng lan can sắt.

16/4/12

Khu tập thể ngày ấy

Tôi nhớ mang máng rằng, khi bắt đầu nhận biết được mọi sự vật xung quanh mình thì gia đình mình đã ở trong khu tập thể ấy. Đó là những dãy nhà vách bằng phên, mái lợp giấy dầu dành cho những gia đình cán bộ của huyện Yên Sơn. Khu tập thể hồi đó tận sáu dãy nhà, mà mỗi dãy phải có đến mười gian. Tôi bé quá nên cũng chưa đi chơi hết các gia đình ở đó.
Khi tôi vào lớp một, cô tôi mang quà của ông nội cho tôi. Đó là một chiếc cặp nhựa mới toanh. Bên trong còn để một bó phốp bằng tre hóp vẫn còn tươi nguyên. Tôi sung sướng mang khoe với bọn bạn ở khu tập thể. Chúng nó thèm lắm. Khi bọn trẻ được tận hưởng tiếng nổ ròn tan thì cũng là lúc mà đũa trong chạn bát nhà tôi vơi dần đi, mẹ tôi thì cứ thắc mắc mãi mà không hiểu vì sao. Đến khi nhặt được một chiếc đũa vót dở rơi ở gầm chạn thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Với tôi, nếu không nhờ những chiếc đũa có sẵn thì làm sao tôi có thể tự vót nổi một thanh tre thành cái cán phốc nhẵn và thẳng như thế được.

Nhà ông Vườn ở ngay đầu dãy tập thể, xong đến nhà tôi. Cái Hoa con ông Vườn học hơn tôi hai lớp. Trước khi đi làm, bố tôi viết mẫu một loạt chữ cái vào các đầu dòng trong quyển vở ô li của tôi rồi bảo ở nhà tập viết. Bố vừa ra khỏi nhà, cái Hoa từ đâu chạy về rủ:
- Này, đi chơi “đồn” đi! Bọn thằng Luyện khuỳnh đang đợi ngoài mương kia kìa.
- Nhưng mà bố tao bắt tao phải tập viếp! - Tôi tỏ ra tiếc nuối.
Cái Hoa sốt sắng:
- Mày đưa đây tao viết hộ cho, xong đi chơi nhé!
Thấy hợp lý quá, tôi đưa liền cho nó. Một loáng sau, quyển vở của tôi đã chi chít chữ, tôi nể phục nó lắm. Mà nó tài thật, tôi cặm cụi viết mãi mới được mấy chữ run run, nó chỉ ngoáy một lúc là xong. Vậy là buổi sáng hôm đó, tôi được nô đùa thả phanh cùng lũ bạn. Nhưng mọi chuyện đâu có được suôn sẻ như thế. Buổi trưa, bố tôi về, hỏi viết bài xong chưa, tôi ngẩng cao đầu tự đắc. Ông cầm quyển vở xem một lúc thì mắt long lên. Thế là tôi lại bị mấy cái roi quất lằn cả mông. Khổ nỗi, hồi ấy tôi nào có biết là người lớn thì có thể phân biệt được nét chữ của bọn trẻ con chúng tôi đâu.
Thằng Quang con ông Dìn trắng trẻo, đẹp trai nhất bọn, nhưng nó cũng không phải vừa, bầy ra đủ trò oái oăm. Những trưa hè, từ trai đến gái không có đứa nào ngủ bao giờ. Cứ ăn cơm xong là rủ nhau lên huyện “đi tuần”. Khu tập thể cách huyện chỉ khoảng 300 mét, chỉ cần vù một cái là tới nơi. Trên huyện nhiều mít, mít mật, mít dai, mít na. Vài hôm lại có quả chín. Mọi người đi ngủ trưa, bọn tôi lại chọc trộm và mang ra chỗ an toàn cùng nhau hưởng chiến lợi phẩm. Thế rồi trong nhóm cũng có chuyện buồn. Một hôm, mọi người trong khu tập thể xôn xao rằng thằng Quang theo anh nó đi mò ốc ở hồ bị trâu húc. Chúng tôi đứa nào đứa ấy xanh mặt, chạy một mạch ra phía hồ, thấy mọi người xúm vào khiêng nó lên, mặt bê bết máu. Cũng may thế nào nó chỉ bị vào mũi, đưa lên viện khâu. Cái thằng đẹp trai nhất bọn sau đó có một vết sẹo làm lệch cả sống mũi. Từ ngày ấy nó lại có thêm tên mới là Quang “tẹt”.

Thằng Luyện khi đẻ ra chân nó hơi khuỳnh nên bố mẹ nó gọi là Luyện khuỳnh. Nhà nó có 4 chị em, nó là anh của hai thằng em trai. Nó bảo chú nó ở trên Mèo Vạc thỉnh thoảng xuống chơi và dạy võ Tàu cho ba anh em nó nên tôi cũng thấy hơi “chờn”. Sau này phát hiện ra nó là một đứa toàn nói phét nên tôi cũng chẳng sợ lắm. Nó cậy có ba anh em trai nên đi đâu cũng hống hách và hay gây sự với tất cả bọn trẻ trong khu tập thể. Mỗi lần có xích mích là ba anh em nó đều có mặt mà “xuống tấn” như trong phim chưởng. Dù thế nào thì cũng chỉ vài ngày, chúng tôi lại chơi với nhau, thân thiết như không có chuyện gì xảy ra.
Kể ra, ở nhà vách phên lợp giấy dầu nhiều khi tiện lợi nhưng cũng bất tiện. Tiện là ở chỗ nhiều gia đình bí lên toàn xé miếng giấy dầu trên mái nhà để nhóm bếp, thành ra mái nhà ai cũng nham nhở như răng bà lão. Bất tiện là nhà ai mà nói chuyện hoặc vợ chồng có trót có to tiếng với nhau thì hàng xóm cách mấy gian nhà cũng nghe thấy. Trời mưa, bố tôi thường xé miếng giấy dầu ở ngoài mái hiên giắt lên những chỗ mưa dột. Nền nhà làm bằng đất nên mưa là bẩn lắm, nhớp nháp như ngoài sân. Mẹ tôi toàn phải lấy gio bếp rắc lên và di đi di lại để đi cho đỡ trơn. Những hôm gió to, cả dãy tập thể lại nhốn nháo, cột kèo kêu răng rắc. Mẹ tôi kể lại, khi đang cùng em thứ hai tôi nấu cơm, căn bếp ọp ẹp bỗng nhiên nghiêng ngả và đổ sụp xuống, khi đó mẹ đang mang bầu em út, may thay ba mẹ con không bị làm sao. Gần chục năm thì khu tập thể được nhà nước xây mới bằng gạch và lợp ngói. Bọn trẻ chúng tôi đứa nào đứa nấy lớn lộc ngộc, cuộc sống cũng bớt khổ hơn đôi chút.
          Bây giờ, gia đình mỗi đứa đã ra ở riêng. Nhưng ký ức đi theo cuộc đời chúng tôi sẽ mãi là khu tập thể ngày nào.

6/4/12

Cáp treo ở Phù Lưu

Cứ đến mùa cam, dân chúng ở thôn Thọ, xã Phù Lưu (Hàm Yên) lại có cơ hội chứng kiến những thùng cam được vận chuyển từ trên núi xuống mặt đất bằng hệ thống cáp treo. Người ta bảo đó là “trực thăng” nhà ông Lỷ. Ý tưởng táo bạo ấy đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người trồng cam ở Phù Lưu.
Từ chuyện trồng cam trên…mây
Đang ở mảnh đất bằng phẳng cạnh đường Quốc lộ 2, cách trung tâm huyện Hàm Yên chục cây số, năm 1992, ông Chúng A Lỷ đùng đùng rủ người anh trai kéo vợ con lên thôn Thọ, xã Phù Lưu sinh sống. Vợ ông nhiều lần nói ông là đồ “khùng”, đang yên đang lành, cơm cũng tạm đủ ăn, tự nhiên bắt đầu lại từ con số không. Ông Lỷ thì chẳng nói gì, chỉ thi thoảng nhẩm tính một mình. Loay hoay với cuộc sống ở vùng đất mới, ông mở cửa hàng tạp hoá tại trung tâm xã cho cô vợ bán. Còn ông cùng người anh vác cuốc lên đỉnh núi xem bà con trồng cam. Ông nghe dân đây bảo phong trào trồng cam đã có từ đầu năm 1990. Khi ấy, mới chỉ có vài chục hộ manh mún trồng thử. Lúc đầu người ta trồng cam ở vườn, cũng tươi tốt. Nhưng chỉ được vài vụ, cây lại rũ xuống, lụi sạch. Giống cam sành chỉ ưa đất đồi, núi cao, khí hậu mát mẻ. Nhiều người trong xã phải chiều theo sở thích của thứ cây khó tính, chọn được những quả đồi thấp để trồng cam, một số bà con khác hò nhau lên núi cheo leo mà vun xới, tỉa tót.
Cho đến bây giờ, xã Phù Lưu đã có hơn 600 hộ trồng cam, với gần 900 ha. Đây là vùng cam lớn nhất của huyên Hàm Yên, sản lượng hàng năm đạt 12-15 nghìn tấn quả, thu nhập gần 70 tỷ đồng. Cam sành Hàm Yên giờ đây đã nổi tiếng khắp cả nước. Do được người nông dân “chiều chuộng”, đưa lên vùng đất trên cao, hợp với cây, nên hương vị cam sành có vị thơm mát đặc trưng, giàu chất dinh dưỡng. Cũng vì những khó khăn đó mà người trồng cam ở Phù Lưu đã làm nên thương hiệu cam sành Hàm Yên và cả sự giàu có của họ.

Người ta ví von “đồng bào miền núi chân to lên vì trèo đồi” cũng chẳng sai. Vườn cam của anh em ông Lỷ và mấy người trong thôn Thọ nằm trên đỉnh núi của thôn Quang, cách mặt đất 800 mét. Mỗi lần lên chăm sóc hay thu hoạch, họ phải leo bộ mất gần 1 giờ đồng hồ. Đường lên vườn cam hun hút như trên “cổng trời”. Mùa đông, mây, sương giăng mù mịt đỉnh núi. Đứng trên vườn cam chẳng bao giờ nhìn thấy xóm làng bên dưới. Gánh mãi cũng mỏi, người trồng cam không đủ sức, họ lại phải nghĩ đến chuyện thuê người vận chuyển. Vào những hôm trời có độ ẩm cao hay mưa phùn, đường trơn dốc, nhiều người còn bị trượt chân trôi xềnh xệch, gánh cam vài chục cân lăn long lóc xuống vực, coi như bỏ đi. Mấy năm trước, giá cam bán tại chân núi 4.000-5.000 đồng/kg, họ đã phải mất 2.000 đồng vào công vận chuyển. Ông Lỷ có trên 4 ha cam trên núi, mỗi vụ được 70-100 tấn quả, thu trên 300 triệu đồng. Chưa kể đến thuốc, phân bón, riêng chi phí vận chuyển đã hết khoảng 150 triệu đồng.
Nghĩ cực nhọc việc trồng cam trên núi cao, đã vậy, đường vào Phù Lưu lại gập ghềnh khó đi, tư thương được đà ép giá. Tối tối, anh em ông Lỷ lại chụm đầu “bàn mưu tính kế”. Một ý nghĩ táo bạo đã hình thành ngay từ những người trồng cam trên núi cao này.
Và sự ra đời của cáp treo
Cách đây vài năm, ông Lỷ xem phim ảnh thấy cảnh nông dân ở nước ngoài đi ra đồng bằng ô tô, việc thu hoạch lúa đều bằng máy. Ông thấy nông dân mình nhiều nơi cũng làm được như vậy. Việc cơ giới hoá nông nghiệp sẽ giải phóng sức lao động cho nông dân, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông thèm khát được sở hữu một cái trực thăng để vận chuyển cam, nhưng điều đó thực sự quá xa vời. Nhớ ngày trước, ông cũng bôn ba làm ăn khắp nơi, được đi đây đi đó. Ngắm những ca bin cáp treo trở khách du lịch bay lơ lửng trên không trung ở Bà Nà (Đà Nẵng), ông tưởng tượng đến những giỏ cam nhà ông cũng có thể “bay” được như thế từ trên núi xuống.
Nhưng làm được điều đó không phải chuyện đơn giản. Lại cùng ông anh vắt óc mày mò suy nghĩ để có thể căng được sợi dây cáp từ trên đỉnh núi xuống. Ông về Hà Nội tìm mua gần 1.000 mét dây cáp loại phi 16, thuê ô tô chở đến tận chân núi. Gần 5 ngày trời, ông thuê 15 thanh niên khoẻ mạnh nhích từng mét cáp lên lưng chừng núi, như những thợ điện xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam ngày trước. Rồi việc khó khăn nhất cũng xong. Ông lại đổ trụ bê tông ở hai điểm trên núi và dưới chân, thuê tời máy để kéo căng dây cáp. Điểm cáp trên đỉnh núi, ông đặt máy nổ và dùng hộp số cũ của ô tô để làm bộ điều tốc (điều chỉnh tốc độ). Thùng vận chuyển cam được làm bằng khung sắt, có thể chở được 5 tạ cam, được gắn bu li để chạy trên dây cáp, có dòng dây hạn chế tốc độ với bộ điều tốc. Khi thùng lên thì kéo bằng máy nổ, khi đưa cam xuống thì qua bộ điều tốc. Vậy là ý tưởng của ông Lỷ đã trở thành hiện thực. Tính mọi chi phí cho công trình này, ông phải bỏ ra khoảng 70 triệu đồng.

Chuyến hàng đầu tiên mà theo hai anh em nhà ông Lỷ là đã “đi vào lịch sử”, thùng cam từ trên đỉnh núi, cách hơn 800 mét lao vù vù xuống, kêu như trực thăng và đâm sầm vào 2 cái trụ bên dưới, mà tính ra thời gian chưa đầy 1 phút. Hai anh em nhìn đống cam nát lắc đầu ngao ngán. Ông Lỷ lại cất công xuống tận Quảng Ninh tìm mua hộp số cũ của máy cẩu thay cho hộp số của ô tô. Loại này có thể khống chế tốc độ đi xuống của thùng cam. Và ông đã thành công với cải tiến này. Hiện nay, thùng cam được đưa xuống với tốc độ chậm hơn, khống chế trong vòng 7-8 phút. Người dân bảo rằng, cáp treo của ông đã gần hơn với hình ảnh ca bin cáp treo ở Bà Nà. Ông Lỷ tâm đắc vô cùng.
Ông Lỷ ngậm ngùi nghĩ lại: “Nếu không ra được cái cáp treo này, với sức vóc của mình như bây giờ chỉ có tính đến chuyện bán vườn cam đi”. Từ ngày có cáp treo, ông chỉ mất có 500 đồng để vận chuyển 1kg cam, đó là chi phí tiền dầu mỡ cho máy nổ, bảo dưỡng cáp treo. Mỗi năm ông cũng đỡ phải chi phí cỡ trên trăm triệu tiền vận chuyển. Gần tỷ bạc mà ông tiết kiệm được từ tiền vận chuyển cam, cộng với thu nhập cam từ mấy năm, ông dành đầu tư mở rộng cửa hàng cho vợ ông quản lý. Bây giờ cửa hàng nhà ông dài đến 30 mét, to như cái bách hoá tổng hợp. Bà Phạm Thị Oanh, vợ ông Lỷ giờ đây đã thấm thía và nể cái tính “khùng” của chồng mình lắm. Cùng trồng cam trên núi với ông có hơn chục hộ dân nữa. Dù bà con vẫn phải gánh cam từ vườn đến cáp treo nhà ông nhưng vẫn phấn khởi. Tiền thuê vận chuyển cam bằng cáp treo chẳng tốn bao nhiêu, lại không mất nhiều sức, vả lại ông Lỷ cũng chẳng lấy đắt ai bao giờ.
Nhiều người trồng cam trong huyện đã đến tham quan để học tập cái công trình có một không hai này mà xuýt xoa: “Ông Lỷ thật phi thường!”. Cáp treo đã có hiệu quả lớn về kinh tế, mang đến sự đổi thay cho người trồng cam ở thôn Thọ. Họ muốn làm theo ông nhưng ngại vì không thể làm được như ông. Ông Lỷ thì cứ động viên và mở hướng cho bà con: “Cứ góp vốn làm chung một chiếc, tôi sẽ giúp đỡ phần thi công!”.
Câu chuyện về cáp treo ở Phù Lưu và hiệu quả của nó thì vẫn còn dài. Nhưng sự thông minh, tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm của những nông dân đã giúp họ thích nghi được với mọi điều điều kiện sống. Càng quan trọng hơn khi cả đất nước đang chung sức để thay đổi bộ mặt của nông thôn. Và ở Hàm Yên, còn rất nhiều những nông dân như thế…

26/2/12

Tiếng chợ

Nghe kể, chợ Thụt mỗi năm chỉ họp có một lần đã đủ sức gợi về hình ảnh làng quê từ thuở hồng hoang. Dẫu chẳng ai biết chợ hình thành tự bao giờ, nhưng chính sự tồn tại của chợ đến nay đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt, nét sinh hoạt văn hoá độc nhất vô nhị của một góc xứ Tuyên.
Ký ức bến sông
Sở dĩ gọi là chợ Thụt bởi chợ nằm trên địa phận thôn Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên), ở tả ngạn sông Lô và cách phố huyện chừng chục cây số về phía Bắc. Dấu ấn soi Thành, bến sông thuyền bè neo đậu bây giờ cũng chỉ được kể lại theo ký ức của người cao niên thôn Thụt. Vào khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, nơi đây từng là cảnh “trên bến dưới thuyền”, người bán, người mua nhộn nhịp. Là chợ phiên, nhưng mỗi phiên cách nhau hẳn 1 năm trời, vào mùng 2-2 âm lịch. Hàng năm, mỗi dịp đến phiên chợ, dân buôn bán tứ xứ, từ Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ… chở hàng hoá bằng thuyền, bè lên tập kết tại bến sông này bán cho nhân dân địa phương. Thời bấy giờ, ở ven sông có rất nhiều người Hoa sinh sống, nên người bản địa thường quen gọi là “phố người Hoa” hay “phố Thụt”. Năm 1949, trong lần quân Pháp ném bom phố huyện làm hơn ba chục người thiệt mạng và bị thương, thuyền bè ở bến sông toán loạn, người phố Thụt cũng phải chạy đi sơ tán mất một thời gian.
Một trong những người được chứng kiến chợ Thụt vào khoảng thời gian đó là ông Khổng Xuân Lộc, thôn Thụt, năm nay đã 76 tuổi. Lúc lên 6, ông đã theo cha từ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) ngược sông lên đây sinh sống và ở luôn tại thôn Thụt từ đấy. “Khi tôi đến thì đã có chợ rồi. Đến khoảng 10 tuổi, tôi có hỏi các cụ 90, thấy bảo từ nhỏ các cụ cũng thấy có chợ rồi, thành ra hết biết” - Ông Lộc đăm chiêu - “Mà chẳng hiểu sao hồi đó nhiều người tứ xứ đến đây buôn bán thế, thuyền bè chống sào đi lại như con thoi suốt ngày. Họ mổ lợn, trâu, bò, làm bánh, mua bán, trao đổi hàng hoá nhộn nhịp. Sau đó chắc cũng vì sầm uất, chợ họp kéo dài liền 3 ngày, từ chiều 30-1 đến hết ngày 2-2, còn tổ chức các trò chơi như đánh bàm, đánh yến, cờ người, vật…Mấy hôm chính chợ, người kéo về chợ đông nghìn nghịt, chật cả bến sông này”. Ngày ấy, tất cả những người đi chợ Thụt cũng đều mang quan niệm rằng, đến chợ để “mua may, bán rủi”. Chợ độc đáo ở chỗ người bán không nói thách, người mua không mặc cả…

Năm nay, bà Tướng Thị Nọn, người Dao Quần trắng đã hơn 70 tuổi. Chẳng năm nào bà vắng mặt tại chợ Thụt. Sáng sớm, bà Nọn lặn lội đi bộ từ thôn Làng Bát, cách đấy mấy cây số để đến chợ. Bà Nọn tìm lại trong ký ức, chợ Thụt ngày ấy không chỉ đơn thuần là bán và mua, đó chỉ là cái cớ để đầu xuân, trai gái đến đây hò hẹn, gặp nhau, giao lưu tình cảm, giống như chợ tình. Thế mới có chuyện chợ “không ai nói thách, không ai mặc cả”. Mỗi năm trở lại chợ Thụt, không những mua hàng hoá, bà Nọn còn theo bước chân dập dìu của các chàng trai, cô gái Dao, Tày, Mông để tìm lại những kỷ niệm đang dần trôi về quá khứ, lắng nghe nỗi niềm vọng lại từ thuở xa xưa.

“Tháng Giêng ăn tết ở nhà, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Người dân thôn Thụt xưa kia dành khá nhiều thời gian cho chơi xuân. Chợ Thụt cũng chủ yếu chỉ bán là vải vóc, bánh trái, thực phẩm, các loại thuốc quý lấy ở trong rừng. Sau này có cả những đồ nông cụ như dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày, lưỡi bừa…Người ta bảo rằng, sự có mặt của những thứ ấy làm cho người nông dân nhớ đến công việc đồng áng mà xếp lại chuyện vui xuân. Có nghĩa, chợ Thụt cũng đồng thời nhắc nhở mọi người đã hết tháng ăn chơi, hãy tập trung vào lao động sản xuất để mang lại một mùa vụ mới no đủ hơn. 

Một phiên chợ làm nên ngày hội
Chợ Thụt nay vẫn thế. Chỉ khác đôi chút là có thêm nhiều người Kinh đi chợ hơn. Ngày xưa chợ họp ở bến sông, nay Nhà nước đầu tư làm đường tựa như con đê chạy dọc bờ sông Lô qua thôn Thụt. Chợ kéo dài gần cây số trên đoạn đê ấy.
Một năm tuy không dài, nhưng cũng khiến nhiều người phải ngong ngóng đến phiên chợ. Năm nào cũng vậy, nhà ông Khổng Xuân Lộc, trong nhà, ngoài hiên lăn lóc người đến ngủ nhờ. Họ là những người bán hàng ở nơi xa đến, lẫn trong đó có cả thanh niên đi chơi chợ. Vải vóc, thổ cẩm, chỉ thêu, vòng bạc… bày la liệt ở sân chờ đến sáng hôm sau. Từ chiều hôm trước, cây còn cao hơn 20 mét được nhân dân trong thôn hô hào đẽo gọt và dựng lên ngay bên đường. Cái lạ nữa, thường thì hội tung còn được tổ chức ở sân bãi rộng, nhưng những quả còn ở chợ Thụt được ném ngay…trên đê. Sáng ra, lác đác vài bóng người. Nhưng càng gần trưa, nườm nượp từng đoàn người từ khắp nơi đổ về con đê, như chưa bao giờ đông như vậy. Bến sông xưa lại bừng lên trong phiên chợ.

Hàng hoá ở chợ Thụt độc đáo và đặc trưng của chợ quê. Từ các hàng nông sản như măng, các loại quả như cam, quýt, nông cụ đến các loại bánh quê như bánh nẳng, bánh gai, bánh dầy, bánh hình thù các con vật…Nhiều nhất vẫn là quần áo, thổ cẩm, trang phục dân tộc. Mặc dù chợ Thụt nay cũng “Kinh hoá” nhiều, hàng hoá của người Kinh cũng theo nhau bày bán la liệt khắp chợ. Cũng chẳng sao, đất nước hội nhập, thôn cũng hội nhập! Bởi vài chục năm nữa, những thứ hàng ấy mà còn tồn tại ở chợ Thụt sẽ trở nên quý hiếm lắm.
Từ xã Phù Lưu, thị trấn Tân Yên, xã Hùng Đức, người dân mang thổ cẩm đến bày bán. Những nét hoa văn tinh xảo đã được bà con may, thêu thủ công hàng năm trời, nay được phô ra để hàng nghìn con mắt của du khách chiêm ngưỡng. Hồn dân tộc sáng rực lên trong từng thước vải. Tất cả phụ nữ Dao Quần trắng hầu như đều ăn trầu, nhuộm răng đen hết. Hình ảnh những người phụ nữ Dao bán hàng ở chợ Thụt cũng thấy na ná “những cô hàng xén răng đen cười như mùa thu toả nắng” trong “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm. Chợ miền núi, nhưng thực sự có quá nhiều thứ làm ta lầm tưởng đây là một phiên chợ ở miền xuôi. Cũng phải thôi, mảnh đất xưa kia người Hoa, người miền xuôi lên đây sinh sống, dân buôn bán cũng người dưới xuôi. Chỉ có những mặt hàng đặc trưng của vùng núi Hàm Yên như trang phục thổ cẩm, nông sản, thuốc rừng… mới tô cho chợ Thụt những nét riêng chợ phố núi. Trong dòng người đổ về chợ Thụt, có hai bà cụ Dao Quần trắng dáng còng, khoác túi vải sau lưng, chống gậy rạp mình bên nhau. Đã ngót nghét 80 tuổi, nhưng hai cụ cũng chưa thông thạo tiếng Kinh. Gặng hỏi mãi, mới biết hai cụ ở thôn Cọ gần đấy. “Vải ở Thụt tốt lắm! Chẳng mua gì đâu, mua vải về khâu, mua vỏ để ăn trầu thôi” - Cụ Đặng Thị Nụng bỏm bẻm nói. Chẳng sai khi dám đoán rằng, sự tồn tại của chợ Thụt đến nay đã góp phần duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở huyện Hàm Yên.
Ở chợ Thụt, một chén rượu cũng đủ để làm nên khúc tâm giao. Trong các sạp thắng cố bên đường, hàng tốp người ngây ngất với những câu chuyện vui, chuếnh choáng với men say tình người. Một năm qua, không ít câu chuyện thắng lợi về mùa vụ, chuyện làm ăn phát đạt, rồi nhà cửa thay đổi để người ta mang ra chia sẻ với nhau. Có những câu chuyện không đầu, không cuối mà nghe vẫn hiểu, vẫn thấy được niềm hân hoan ở trong đó. Không quá khi nói chợ Thụt là “nơi gặp gỡ tình yêu”, bởi trước đây nhiều chàng trai, cô gái đã gặp nhau ở chợ, họ quen nhau, yêu nhau rồi sống với nhau đến đầu bạc răng long. Bây giờ cũng thế, trong hàng ngàn người bìu ríu nhau đi chợ, có đến trên phân nửa là nam thanh, nữ tú xúng xính trong bộ quần áo mới, trao nhau ánh mắt tình tứ.
Những quả còn tua rua ngũ sắc đem bao ước vọng cho một năm mới của người nông dân đã được tung lên bầu trời. Cây còn cao vút như sự thách thức con người chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Mặt nguyệt trên cây còn đã bị xuyên thủng trong niềm hân hoan vui sướng không chỉ người dân thôn Thụt. Anh Bàn Văn Các, người Dao Quần trắng ở thôn Khâu Lình, xã Phù Lưu đã may mắn làm được điều đó. Một năm bội thu về mùa màng của gia đình anh đã được báo trước bằng sự may mắn ấy. Anh Các giơ quả còn trong tay: “Đấy là tín ngưỡng để dân mình có niềm tin. Còn no ấm hay không, vẫn là do cày sâu cuốc bẫm”.
Âm vang miền đất hứa
Ông Ma Văn Long, thôn Mường, xã Phù Lưu đi chợ chọn mua đôi dao quắm mang về. Ông bảo, năm nào cũng mua một đôi về làm dụng cụ dọn dẹp, phát cỏ chăm sóc vườn cam của nhà mình. Gia đình ông có hơn 5 ha cam, sản lượng năm nay đạt gần 100 tấn quả, trừ mọi chi phí thu trên 300 triệu đồng. Cùng với ông Long, vườn cam của gia đình ông La Văn Hiệp, ông Đặng Văn Công, Hà Văn Minh là những diện tích cam lớn ở xã Phù Lưu, cho thu nhập cao. Phù Lưu là vườn cam lớn nhất ở Hàm Yên, với gần 900 ha, chất lượng thơm ngon tạo nên thương hiệu Cam sành Hàm Yên. Sản lượng cam năm nay của xã ước đạt 12.000 - 15.000 tấn quả, cho thu nhập khoảng 70 tỷ đồng. Cam sành Hàm Yên đã nổi tiếng khắp cả nước, cam mang đi đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
Phù Lưu còn là địa phương phát triển nghề dệt thổ cẩm, góp phần khôi phục, giữ gìn và phát huy nghề thủ công truyền thống đang nguy cơ mai một. Đến nay, toàn xã Phù Lưu đã có trên 20 hộ gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư dệt thổ cẩm. Trước đây, đời sống của trên 80 hộ đồng bào dân tộc Dao thôn Khâu Lình chỉ biết trông vào cây lúa nên còn gặp khó khăn. Nay, thôn đã chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất. Chị em phụ nữ trong thôn đã đều biết thêu và dệt thổ cẩm, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em. Nghề thêu và dệt thổ cẩm đã và đang từng bước trở thành nguồn thu chính của thôn. Cùng với cây lúa, cây cam, sản xuất thủ công nghiệp đã góp phần quan trọng trong giảm số hộ nghèo năm 2011 của xã Phù Lưu xuống còn 28%, nâng số hộ khá và giàu lên gần 50%.
Chủ tịch xã Phù Lưu Ma Hoa Tàm chẳng ngại ngần khoe con “trâu sắt” 500 triệu đồng mà ông mới “tậu”: “Nông thôn bây giờ đổi khác rồi, người nông dân dần dần cũng phải biết đi ô tô ra ngoài đồng chứ!”. Nói vậy là biết ông Tàm tự hào lắm. Ông là lãnh đạo xã đã mạnh dạn mua ô tô 4 chỗ để phục vụ gia đình và công việc cá nhân. Cũng chẳng có gì lạ, chính nghề trồng cam đã cho gia đình ông thu nhập cao, góp được tiền tỷ. Công sức lao động, sự cần cù của người nông dân xứng đáng được trả công, và ông là người đi đầu trong việc dám nghĩ, dám làm. Ông Tàm muốn bộ mặt nông thôn được đổi thay, thu hẹp dần khoảng cách với thành thị, trước hết là tại địa phương ông lãnh đạo. Và điều ấy ông đang thực hiện rồi.
Suốt chiều dài hàng thế kỷ nay, Chợ Thụt vẫn trường tồn, chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất và con người Phù Lưu cùng sự vươn lên của cộng đồng 12 dân tộc anh em trên mảnh đất Hàm Yên. Như lời Bí thư Huyện uỷ Hàm Yên Lê Tiến Thắng tâm sự, thì nay mai, chợ Thụt không chỉ là mối giao thương của người dân Phù Lưu với các địa phương bạn, mà còn là điểm đến không thể thiếu của khách thập phương trong hành trình khám phá mảnh đất này.

6/2/12

Du xuân phố núi

Vào hội xuân, Hàm Yên như được khoác lên mình chiếc áo mới lộng lẫy hơn bao giờ hết. Một chuyến du xuân trên mảnh đất này để ngắm sắc đào nở thắm trong sương sớm, ngây ngất với men say của tình người trong các lễ hội đậm đà sắc màu phố núi.
Nô nức trảy hội
Sớm mùng 9 tết lất phất mưa phùn. Cả bầu trời Hàm Yên như được nhuốm bạc. Trong sắc xuân, Hàm Yên hiện ra đẹp lạ thường. Nhớ cách đây ngót chục năm, cũng trong mùa xuân ở Động Tiên, tôi gặp ông Đỗ Xuân Tuyên, người thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú. Lời giới thiệu của ông đã mở ra cho tôi câu chuyện kỳ thú về Động Tiên: “Nếu ai chạm được tay vào đầu rùa, người đó sẽ gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc trong cuộc đời!”.
Câu nói như thay lời mời mọc và gợi trí tò mò, thêm chút thách thức chinh phục đỉnh núi. Khi vẻ đẹp của Động Tiên đã trở nên nổi tiếng, nườm nượp nam thanh nữ tú và khách thập phương thi nhau leo lên đỉnh núi Chân Quỳ (nơi có Động Tiên) để mong được chạm tay vào sự may mắn. Đầu rùa là mỏm của phiến đá có hình con rùa, nằm trên đỉnh núi, cao hơn 500 mét. Đường lên hồi đó đâu có bậc xây để đi dễ dàng như bây giờ. Người lên phải men theo con đường đất trơn trượt, bò trên những phiến đá chênh vênh mà tạo hoá xếp chẳng thành hàng lối. Lên được đến nơi cũng mất gần tiếng đồng hồ. Tôi còn được nghe ông Tuyên kể về sự tích Động Tiên, với chàng trai khôi ngô gánh đá ngược sông vá mặt trăng để đem lại ánh sáng cho muôn dân. Có nàng tiên cưỡi ngựa dạo chơi trên trời, thấy thế bèn xuống giúp. Vì đá nặng nên cả người lẫn ngựa lún xuống sông, hoá thành núi.

Người Hàm Yên còn có câu ca “Chân Quỳ là núi thần thiên, có nơi hang động, có đàn đá hoa”. Họ tự hào lắm bởi Động Tiên chẳng kém gì chốn “bồng lai tiên cảnh”. Nhiều du khách đến đây đã thốt lên rằng: “Đây là một trong những hang động đẹp nhất mà thiên nhiên đã kiến tạo và ban tặng cho Hàm Yên”. Động Tiên có 3 cửa, lòng hang rộng có thể chứa hàng ngàn người, khí hậu quanh năm mát mẻ. Trong động có nhiều nhũ đá mang đủ các hình thù, lấp lánh kỳ diệu. Nằm trong quần thể hang động còn có động Thiên Đình, hang Thạch Sanh…có niên đại hàng ngàn năm. Đứng ở cửa động lồng lộng gió, có thể phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh bình của làng quê miền sơn cước.

 Từ năm 2004, dưới chân núi Chân Quỳ, lễ hội Động Tiên và chợ quê đã được huyện khôi phục, tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Dù một năm tổ chức một lần, nhưng lễ hội Động Tiên và chợ quê đã là điểm hẹn để giao lưu văn hoá, giải trí, mua bán, trao đổi những mặt hàng nông sản. Lễ hội năm nay được tổ chức vào mùng 9 tết Nhâm Thìn. Ngày vui được mở đầu bằng màn khai mạc, phát lộc cho du khách. Cũng như hàng năm, các trò chơi dân gian trong Lễ hội Động Tiên rất phong phú, từ ném còn, hát páo dung, thi leo núi tiếp sức đến các hang động, đấu cờ người, vẽ tranh về Động Tiên… Lễ hội năm nay có trò mới chọi dê. Từng cặp dê dướn người lên bằng 2 chân sau rồi bổ sừng xuống đối phương khiến người xem, nhất là trẻ nhỏ vô cùng thích thú.
Phiên chợ quê khá hấp dẫn với sự xuất hiện của các mặt hàng nông sản, từ mắm cá, măng khô, các loại rau củ quả.., các đặc sản nổi tiếng của huyện như gạo Minh Hương, vịt suối, cam sành cho đến hàng thổ cẩm, trang phục dân tộc. Mỗi xã, thị trấn trong huyện đều có một gian hàng trưng bày những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương tại chợ quê. Dạo quanh một vòng chợ, có đến gần 20 chục gian hàng lớn nhỏ. Bà Phạm Thị Luyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Phú luôn tay sắp xếp mấy quả phật thủ lên trên giá, nhưng miệng vẫn tiếp chuyện chúng tôi: “Gian hàng của xã có hơn 100 mặt hàng, toàn các sản phẩm đặc trưng của huyện. Mỗi phiên chợ cũng chỉ bán được 5 đến 6 triệu đồng thôi. Tuy nhiên mục đích chính vẫn là trưng bày, giới thiệu sản vật của địa phương đến với du khách thập phương”. Chợ quê đầu năm, sự xuất hiện của các mặt hàng nông cụ như dao, cuốc, xẻng, lưỡi cày, lưỡi bừa…làm tăng thêm bản sắc chợ quê. Người dân ở đây bảo rằng, đó là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ đầu năm để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Theo quan niệm xưa, nông dân sẽ có mùa màng bội thu khi sắm những thứ ấy vào đầu năm mới.


Chia tay chợ quê, tối về trung tâm huyện, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm do bàn tay khéo léo của người Hàm Yên tạo nên qua lễ hội đường phố. Cũng giống như ở thành phố Tuyên Quang, đêm hội đường phố ở Hàm Yên tưng bừng với âm thanh và ánh sáng. Đoàn rước mô hình dài hàng trăm mét cùng nhau diễu quanh thị trấn. Đi đầu là tốp múa lân, múa rồng. Tiếp nối là thương hiệu Cam sành Hàm Yên với mô hình quả cam sành lớn, chín vàng, các mô hình các con vật ngộ nghĩnh, nhà sàn, khung cửi... “Năm nay là năm thứ 3 thị trấn tổ chức lễ hội đường phố. Chẳng biết người ở đâu ra mà đông thế, thấy ai cũng vui vẻ, phấn khởi và hồ hởi cả” - Ông Nguyễn Văn Long, tổ nhân dân Tân Quang, thị trấn Tân Yên, người có mặt ở đêm hội đường phố nhận xét.
Ngày 10 và 11 tết mới thực sự là hội lớn ở Hàm Yên. Từ sáng sớm, từng đoàn người đã tấp nập đổ về sân vận động trung tâm huyện để xem chọi trâu. Từ xưa, Hàm Yên đã nổi tiếng có giống trâu ngố, to cao và khoẻ mạnh. Câu chuyện truyền thuyết Ngọc Hoàng đã ban cho Hàm Yên con trâu to và giống cam ngọt để nhân dân no ấm. Nhớ đến tích xưa, hàng năm vào dịp đầu xuân, nhân dân đã tổ chức hội chọi trâu, chọn ra “ông trâu” chiến thắng để hoá kiếp, mang tế lễ, tỏ lòng biết ơn trời đất cho mùa màng bội thu. Vòng chung kết Hội chọi trâu huyện Hàm Yên năm nay ước chừng có trên 5 vạn khách trong và ngoài tỉnh mua vé vào xem. Khán giả ngồi chật ních các khán đài, tiếng hò reo không ngớt suốt thời gian diễn ra các kháp đấu. Những miếng “đánh dập”, miếng “hổ lao” của các “ông trâu” đã khiến khán đài như vỡ tung ngay từ kháp đấu đầu tiên. Anh Đinh Văn Kỳ ở xã Thành Long thì hồ hởi rằng: “Năm nào tôi cũng đi xem chọi trâu ở huyện. Nhưng thật sự chưa năm nào tôi thấy khán giả lại đông như năm nay. Các trận đấu năm nay thì cũng hấp dẫn hơn năm trước”.
Anh Trần Văn Trung ở tổ nhân dân Ba Trãng, thị trấn Tân Yên năm nào cũng có trâu tham gia hội chọi trâu. Năm nay anh có liền 3 “ông trâu”.
- Chắc anh định dàn quân để ẵm cả mấy giải? - Tôi hỏi người chủ trâu.
- Chẳng phải! Tôi chơi vì sự đam mê, vì cái “máu” chơi trâu chọi đã ngấm vào người rồi, khó từ bỏ được. Năm ngoái, tôi đã cất công vào tận Nghệ An để chọn mua trâu tham gia lễ hội năm nay. Nghe người ta nói các “ông trâu” này được mua bên Lào về để kéo gỗ nên rất khoẻ.
Thực sự khi vào trận, 3 “ông trâu” của anh Trung đều có miếng “hổ lao” rất dũng mãnh, cống hiến cho khán giả những kháp đấu hấp dẫn, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt.

Hả hê đường về
Cả 3 “ông trâu” của anh Trung chỉ được vào các vòng trong rồi thua trận. Tuy nhiên, riêng chủ trâu thì vẫn vui vẻ: “Tôi đã nói rồi, chơi vì sự đam mê. Có giải thì tốt, còn không, thực sự tôi muốn cống hiến cho lễ hội những giây phút tưng bừng”.
Hội chọi trâu kết thúc với chức vô địch thuộc về “ông trâu” số 58 của anh Hoàng Đình Sơn, xã Phù Lưu. Người chiến thắng thì vỡ oà vì sung sướng, nhưng cũng chẳng thấy người thua cuộc buồn. Họ đều chơi với tinh thần cống hiến để thể hiện nét đẹp của lễ hội dân gian của địa phương mình với du khách thập phương. “Ông trâu” vô địch đã được hoá kiếp để dâng tế thần linh, tạ ơn và cầu mong trời đất ban cho dân chúng một năm mới no ấm. Theo quan niệm dân gian, những người được ăn thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Thịt trâu vô địch được bán cho những người đi hội với giá 1,7 triệu đồng/kg. Nhiều du khách đã không ngần ngại bỏ ra hàng triệu đồng để mua thịt trâu về làm quà.
Phố huyện lúc tan hội đông nghìn nghịt người. Khắp ngả đường, tiếng cười nói, tranh luận rộn ràng. Trong hàng vạn du khách, có nhiều người ở khắp nơi trong tỉnh đến xem hội. Có cả những du khách đã vượt hàng trăm cây số từ các tỉnh bạn lên đây. Gặp chị Trần Thị Hạnh ở quận Đống Đa (Hà Nội) cùng gia đình trên chiếc xe ô tô 4 chỗ. Năm nay vợ chồng chị đã chọn Tuyên Quang để đi lễ đầu xuân. Mấy ngày tổ chức lễ hội ở Hàm Yên, gia đình chị cũng đều có mặt. Chị kể, hôm đi chợ quê, chị cũng tranh thủ sắm mấy cân gạo ngon, ít cam sành, măng về làm quà. Trong lúc chờ bố mẹ mua thịt trâu chọi, 2 đứa con chị cứ thao thao kể chuyện chọi dê, chọi trâu. Có lẽ từ bé, chúng chưa được một lần chứng kiến những cảnh tượng hấp dẫn đến như thế. “Xuân này, gia đình chúng tôi đã có chuyến đi du lịch đầy ý nghĩa” - Chị Hạnh tâm sự.
Trong suốt 2 ngày diễn ra chọi trâu, để ý trên sân thấy có một phóng viên ảnh cứ mải miết săn các cặp đấu. Tôi cũng chưa kịp làm quen. Tình cờ trên đường về, gặp người đó khoe với bạn mình: “Chuyến này về, tôi có một chùm ảnh chọi trâu cực độc đáo ông ạ!”. Tôi đánh bạo vác cái máy ảnh có hình dạng rất “khiêm tốn” của mình chen vào giữa 2 người xin xem ảnh. Chắc thấy tôi có vẻ cũng “giống” nhà báo nên ông khách bắt tay thân thiện. Ông là Đinh Quang Tú, Trưởng văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc của Tạp chí Thế giới ảnh (Bộ Công nghiệp). Ông Tú hồ hởi cởi tấm lòng:
- Khoái, khoái lắm! Mình đã từng đi 3 địa phương có hội chọi trâu ở miền Bắc là Đồ Sơn, Hà Giang, Yên Bái. Trừ Đồ Sơn, riêng chọi trâu ở Hàm Yên rất hấp dẫn. Là người say mê ảnh, tôi thực sự bị cuốn hút bởi không khí trên sới chọi này.
- Làm sao chú biết được?
- Chuyến đi này rất tình cờ. Nhẽ ra bọn mình đi Yên Tử, nhưng trưa hôm mùng 8 tết, lên mạng thấy có thông tin Hàm Yên chọi trâu nên buổi chiều hôm ấy quyết định đi Tuyên Quang ngay.
Có lẽ ấn tượng mạnh của lễ hội vẫn còn đọng mãi trong lòng nên ông Tú cứ xuýt xoa tiếc nuối. Đây là lần đầu tiên ông đặt chân lên đất Hàm Yên, nên ông coi đây là nơi “đến để rồi muốn trở lại”. Vẻ mặt của ông không giấu được nỗi hả hê: “Tạm biệt nhà báo nhé! Sang năm mình nhất định phải lên trên này du xuân”.
Hoà vào dòng người tấp nập trên đường, tôi cứ nghĩ mãi về tương lai của phố núi. Hàm Yên đã và đang có những lễ hội đủ sức quyến rũ để níu chân du khách. Vẫn còn nhiều nét đẹp hơn nữa để khám phá ở Hàm Yên mà không phải chỉ một lần đến mà thấy hết được.

25/9/11

Ông giám đốc...chân đất

Ông không đi xe hơi hạng sang, không người tháp tùng, quần áo đôi khi lấm lem bụi đất công trường. Nhưng gần 300 con người trong công ty luôn phải nể phục, vì dưới sự điều hành của ông, họ luôn có đủ "cơm ăn, áo mặc". Cũng bởi ông cá tính, chẳng mấy khi nói về mình.
Khi đến đặt vấn đề viết bài về công ty của ông, tôi nhận được từ ông ánh mắt dò xét: "Thế ông nhà báo hiểu gì về công ty này?". Còn chưa định hình sẽ phải trả lời ra sao, ông lại bồi thêm: "Nói thật, tôi rất ít khi tiếp các nhà báo". Quá "choáng"! Từ khi bước chân vào nghề báo, tôi chưa bị ai đối xử "tàn nhẫn" như thế. Rồi lấy lại bình tĩnh, tôi cũng ậm ừ được vài câu, trong đó cố nhắc đến cái tên "Hòa ba rít" và "khai thác khoáng sản". Thoáng trên mặt bàn làm việc của ông, thấy có mấy tờ báo Lao động, Doanh nghiệp.., thế là thở phào nhẹ nhõm. Chẳng có lý do gì mà người không thích báo chí lại ngổn ngang báo trên bàn làm việc cả! Đó là lần đầu được gặp Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang, ông Trần Duy Hòa.
Quần xắn "móng lợn"
Nếu thấy ông ngồi uống trà cùng tốp người lao động, phanh cổ áo nói chuyện, người ta sẽ nghĩ ngay là một "lão" xe ôm đang chờ đón khách. Tính ông dân dã thế. Nhưng mọi người sẽ phải bất ngờ khi biết ông là vị giám đốc của một doanh nghiệp tầm cỡ ở tỉnh, sở hữu 2 nhà máy chế biến quặng ba rít, mỏ khai thác đá xây dựng, cửa hàng thương mại, dịch vụ, sửa chữa máy công nghiệp và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh với hàng trăm tỷ đồng. Thực ra ông Hòa là người rất quan tâm đến báo chí, nhất là những vấn đề về kinh doanh, sản xuất, việc làm ăn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không quan tâm sao được, nó sát sườn nghiệp của ông. Ông có thể kể ra những cây bút "tầm cỡ" của các tờ báo Lao động, Doanh nghiệp... mà chính tôi cũng chưa thể biết hết được. Tôi nghĩ ông là con người từng trải và tinh tường lắm.
Ông lôi ra đôi giày vải cũ kỹ ở đâu đó, xỏ vào chân và ngoắc tay ra hiệu cho tôi lên xe. Chiếc xe bán tải do ông tự lái đưa chúng tôi lên khu vực khai thác mỏ nằm trên đỉnh núi thuộc thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Trán lấm tấm mồ hôi, vẻ mặt trầm ngâm nhưng không rời mắt khỏi con đường đất đá lổn nhổn ngay mũi xe: "Trước những khó khăn do thiếu vùng nguyên liệu quặng, làm sao đảm bảo việc làm và thu nhập thường xuyên cho gần 300 anh em không hề là chuyện đơn giản". Cái việc ông gọi nhân viên và công nhân lao động là "anh em" khiến tôi nghĩ, công ty do ông đứng đầu giống như một gia đình lớn, và ông là trụ cột của gia đình đó. Những người làm việc trong công ty bao nhiêu năm nay, ông hiểu tính khí từng người một. Có anh nóng nảy, ngang tàng nhưng được việc, ông vẫn dùng, rồi cảm hóa bằng sự bao dung, độ lượng của mình nên mọi người nể lắm. Ông dẫn tôi đi thăm các điểm khai thác mỏ. Bước thấp bước cao trên công trường, trông ông giống như một công nhân hơn là vị giám đốc. Thấy tôi băn khoăn nhìn những công nhân mói từng viên quặng bé bằng đầu ngón chân, ông giải thích rằng, mỏ này đã khai thác hết, hiện nay công ty đang chỉ đạo công trường tận thu quặng để chờ xin cấp mỏ mới, khó khăn lắm. Rồi ông thăm hỏi anh em công trường ăn ở, sức khỏe ra sao và động viên mọi người cùng nhau cố gắng làm việc. Ông thường gọi mấy anh công nhân bằng "thằng", bởi ông coi họ như những đứa em của ông vậy. "Nhiều khi biết tin mấy đứa trên này thịt chó liên hoan, mình cũng lên tham gia cho vui. Bọn nó ở trên núi buồn lắm!". Khi vui thì hết mình với công nhân, nhưng ông làm việc theo nguyên tắc và khoa học. Chính vì thế mà từ cán bộ quản lý cho đến công nhân, lao động đều hiểu cái cách của ông, răm rắp theo quy trình khai thác và hết sức nghiêm túc trong công việc. Ông đề ra cái phương châm là phải làm sao để người lao động gắn bó với công ty lâu dài, lo cho công ty như trách nhiệm của bản thân đôi với gia đình, vun vén để cái gia đình lớn ấy luôn đầy đặn. Ngược lại, lãnh đạo công ty cũng phải thường xuyên quan tâm sâu sát, đảm bảo an toàn lao động, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động bằng những việc làm cụ thể.

Táo bạo trong cách nghĩ
Đối với vị giám đốc ấy, những gì không thể sản xuất ra được để phục vụ sinh hoạt trong công ty thì mới phải chi tiền. Từ những thực phẩm như rau, lạc, đỗ, cá... phục vụ bữa ăn ca, đến những cánh cửa, bàn ghế bằng gỗ, khung nhà xưởng đều do công nhân làm ra. Chẳng phải do tính "ky bo", mà ông luôn thực tế rằng "tiết kiệm được đồng nào thì anh em có đồng đó để mang về nuôi vợ con". Được như vậy, việc sắp xếp hợp lý công việc cho công nhân luôn quan trọng. Người nào không làm việc nọ thì chuyển sang làm việc khác, không bao giờ có lao động dư thừa. Trước những khó khăn chung mà hầu hết các doanh nghiệp đang gặp phải trong năm 2011, ông đã lãnh đạo công ty mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, công ty đang thúc đẩy việc kinh doanh, thương mại và dịch vụ sửa chữa thiết bị máy móc, ô tô tại Khu công nghiệp Long Bình An. "Khi nhiều nhà máy mọc lên ở khu công nghiệp, ô tô, máy ủi, máy xúc đi lại nhiều, mình đón đầu làm dịch vụ sửa chữa". Nhiều công nhân trong công ty phấn khởi rằng, việc mở rộng sản xuất kinh doanh này đã tạo được việc làm và thu nhập thường xuyên với trên 3 triệu đồng trung bình mỗi người.
Tôi nói với ông: "Nếu chú "khuân" được đám anh chị em công nhân đang khai thác quặng sang siêu thị, sắm váy áo cho họ đứng bán hàng thì đó quả là cuộc cách mạng lớn". Cũng chẳng phải bàn, bởi cách đây hơn 4 năm, ông đã có ý định đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại trên nền Cửa hàng Bách hóa tổng hợp cũ tại phường Tân Quang (thành phố Tuyên Quang). Và đây, cái trung tâm ấy đã sừng sững hiện diện trước bao nhiêu ánh mắt người dân thành phố. Họ hãnh diện rằng một siêu thị với đầy đủ các mặt hàng, có cả cầu thang cuốn giống như "Metro" hay "Big C" ở Thủ đô Hà Nội đã được ngự ngay giữa lòng thành phố trẻ. Người đoán già đoán non, tòa nhà hẳn là của một "đại gia" lắm tiền nhiều của nào đó, mà không hề biết rằng cơ ngơi ấy là công sức của ông và bao nhiêu cán bộ, công nhân đã lăn lộn đổ mồ hôi, sôi nước mắt đã dành dụm được. Nhiều người bảo ông liều quá, từ khai thác khoáng sản, nghề chỉ biết đến bụi bặm, lấm lem mà dám quyết đầu tư một đống tiền để bươn sang cả lĩnh vực thương mại. Lý do là cách quản lý, xuất, nhập kho và bán hàng của một siêu thị không đơn giản như bán hàng ở một cửa hàng thông thường, mà phải theo quy trình có bài bản. Đội ngũ nhân viên siêu thị cũng phải có nghề. Nhưng trong đầu ông, mọi chuyện như đã được sắp đặt từ trước. Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công nhân làm việc tại Trung tâm Thương mại cũng đã nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo công ty. Người nào phù hợp với công việc gì sẽ được phân công rõ ràng.

Ngẫm một đời người được sống bằng một nghề cố định thì quả là may mắn. Ông Hòa đâu được như thế. 5... tuổi, ông vẫn luôn luôn suy nghĩ và vận động không ngừng. Doanh nghiệp là thế đấy, luôn phải nắm thời thế, chạy theo và thích nghi với thời cuộc. Nhiều khi đau đầu, ông bụng bảo dạ nghỉ cho an nhàn, nhưng rồi cái "máu" kinh doanh trong con người ông lại trỗi dậy, khó cưỡng. Cũng có lẽ, nếu ông có khả năng và còn sức mà lại không làm thì anh em nó "khinh" cho. Chắc do cái "số" phải làm thủ lĩnh đã gán cho cuộc đời ông, nếu không cố gắng, ngần ấy con người sẽ biết xoay sở ra sao với cuộc sống trước mắt? Ít ra thì ông cũng phải gây dựng được cơ ngơi cho đàng hoàng, để sau này, ông không dễ gì bị mang tiếng là "đem con bỏ chợ".
Ở con người vị giám đốc đầy cá tính này luôn tồn tại những mâu thuẫn: Thứ mà ông bảo không thích thì thực ra ông nắm rất rõ, điều ông bảo không quan tâm nhưng thực tế rất chỉn chu, và khi ông chỉ trăn trở về hiện tại thì lại hứa hẹn một tương lai tươi sáng...