11/10/12

Mùa cơm lam chín

 “Lúa sắp chín cũng là lúc tre vừa tới tuổi”. Đấy là cách đánh dấu thời gian vào vụ làm ăn của những người đốt cơm lam ở xóm Suối Khoáng, xã Phú Lâm (Yên Sơn). Bám nghề trên dưới 20 năm nay, họ chỉ cần ngửi mùi cơm từ những ống tre đốt trong lửa là có thể biết chín hay chưa.
Khói, mồ hôi và cơm trắng
Ngày cuối thu. Đường vào xóm Suối Khoáng trải nhựa êm ru. Chưa nhìn thấy cơm lam đâu, nhưng gió đã mang mùi hương thơm phức đi khắp nẻo đường như mời gọi. Có đến gần chục đụn khói nhỏ hiện ra dọc hai bên đường vào trung tâm xóm Suối Khoáng - Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm. Chốc chốc lại có vài bóng người lúi húi cời lửa bên bếp.

Tấp xe vào ven đường, cạnh tấm biển “Hạnh Vượng chuyên cơm lam”, người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần đang rạp mình thổi lửa đốt những ống tre xanh mướt. Trán nhễ nhại mồ hôi, ông ngước lên: “Chú mày lấy cơm lam à?” Tôi thanh minh rằng chỉ muốn chụp mấy kiểu ảnh. Người đàn ông đó là Nguyễn Hữu Vượng, làm nghề đốt cơm lam tại đây đã trên chục năm nay. Vừa cặm cụi làm, ông Vượng vừa tiếp chuyện: “Vậy hôm nay chú vào là đúng dịp đấy! Thường khi trời se lạnh, khách du lịch vào tắm khoáng, cánh bọn anh mới bắt đầu đốt rộ!” Ông Vượng quệt mồ hôi nói. “Ngày bình thường, chỉ đốt khoảng 100 ống. Nhưng vào mùa du lịch, có ngày tiêu thụ đến 500 ống, phải thuê thêm người làm. Giá bán lẻ bây giờ 10 nghìn một ống, giao buôn thì 7-8 nghìn, thu về 5 triệu đồng. Nói thật với chú, trừ các khoản chi phí cũng lãi được một nửa. Một ngày đốt cơm lam bằng cả vụ lúa”.
Những đốm lửa đỏ li ti theo làn khói xanh bốc lên mỗi khi ông Vượng dụi cái cặp bếp vào. Có đến gần năm chục ống cơm lam được ông bắc lên kiềng đốt làm một mẻ. Tre bánh tẻ xanh nõn, nước trong ống sôi xình xịch, mùi gạo nếp và nước cốt dừa ngầy ngậy toả hương. Ông Vượng bảo đó là dấu hiệu cơm sắp chín. Tôi hỏi ông: “Bao nhiêu người đốt cơm lam thế này, liệu cả xóm có bị khói “hun” không?” Ông Vượng nhíu mày: “Thế chú mày muốn ăn cơm lam luộc à? Đây là cách làm đặc trưng của cơm lam, chỉ có đốt bằng củi thì cơm mới thơm ngon. Với lại, khói cơm lam cũng chẳng đến mức ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hai chục năm nay, người ta đã đốt cơm lam ở đây, có ai làm sao đâu!”. Tôi thấy ông nói cũng hợp lý.

Cách đó vài chục mét, cả gia đình bà Hoàng Thị Lợi cũng mỗi người một việc: ông chồng thì cưa ống tre, đứa con gái chẻ ống cơm, còn bà Lợi luôn tay tiếp mấy thanh nòm vào bếp cho đều lửa. Gia đình bà Lợi có 4 người thì 3 người không có lương, nên sống bằng nghề đốt cơm lam. Ông Hồng, chồng bà cầm cặp gắp những ống cơm lam trên bếp ra cho cô con gái róc bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Những ống tre xù xì bỗng chốc được lột xác thành hình hài mới. Vỏ ống mỏng tang, bóc ra trắng ngần, sẵn sàng phục vụ khách hàng. Vừa làm, ông Hồng vừa khoe câu thơ mới “sáng tác”, nghe thấy ngồ ngộ: “Nhớ ôi Suối Khoáng cơm lên khói. Cơm lam mùa em thơm nếp xôi”. Tôi chợt nghĩ, những người đã từng là lính, bây giờ mà nếm lại mùi cơm lam, nghe câu thơ đó chắc phải nhớ một thời “mưa dầm, cơm vắt” lắm.
Năm 1988, khi còn khoẻ, ông Hồng chuyên vào rừng lấy tre bán cho những gia đình làm cơm lam trong xóm. Được vài năm, khi đã học được chút kinh nghiệm, bà Lợi bảo chồng ở nhà cùng vợ con đốt cơm lam bán cho khách du lịch. Làm cơm lam không khó như nhiều người nghĩ. Nhưng làm sao giữ thương hiệu cũng như chất lượng của cơm lam Suối Khoáng, bà Lợi cho rằng, họ phải chấp nhận “nhọ mặt” từ sáng đến tối. Trước khi đốt, gạo phải được ngâm ít nhất 4 tiếng đồng hồ với nước cốt dừa, nước gừng hoặc các loại nước tạo hương khác. Theo kinh nghiệm của bà, tre dùng làm ống lam nếu già hoặc non quá cũng không tốt. Chuẩn phải là tre gai bánh tẻ, được lấy đúng vào thời điểm lúa sắp chín, lá đang “xoè cánh én”. Làm và bán cơm lam lâu năm ở đây, bà Lợi bắt được “thóp” khách du lịch vì họ cho rằng “nếu đến Suối Khoáng mà không ăn cơm lam thì coi như chưa đến Suối Khoáng”.
Ông Hồng khoe rằng, thành phố Tuyên Quang tổ chức thi thổi cơm lam, xã An Tường mời vợ mình đi làm cố vấn cho đội đi thi. Ông nghĩ, ở cái xóm Suối Khoáng này, nhà nhà đốt cơm lam, người người đều đốt cơm lam, đâu phải ai cũng được người ta mời như thế. Ông Hồng tự hào lắm vì nhà mình cũng có “nghệ nhân” với kinh nghiệm đầy mình.


Đưa cơm lam ra phố
Từ rất sớm, vườn hoa công viên cạnh dòng sông Lô, thuộc tổ 7 phường Tân Quang nườm nượp người đến xem. Có đến hàng chục phóng viên từ Trung ương và địa phương đã phục sẵn để ghi lại những khoảnh khắc của ngày hội.
Gặp bà Lợi đang tranh thủ “huấn luyện” và bàn “chiến thuật” cho các thành viên của đội An Tường trước phần thi. Do quy định của phần thi đốt cơm lam rất “xương”, chỉ có 45 phút để hoàn thành sản phẩm cơm lam. 8 ống tre và 2 cân gạo nếp, đòi hỏi các đội tham gia thi phải tính toán kỹ. Bà Lợi đã phải mất 2 buổi đi “thửa” ống lam cùng với mọi người trong đội. Gạo được đong đếm, cắt gọt ống tre đến khi vừa vặn mới thôi.
Phần thi thổi cơm lam đã diễn ra chớp nhoáng. 12 đội đến từ các xã, phường, thị trấn của thành phố Tuyên Quang tham gia, mỗi đội có 3 người, vừa tra gạo, đổ nước vào ống rồi mang đến địa điểm đốt. Người đun bếp, người quạt, người xoay ống, không khí tấp nập. Chẳng mấy chốc mùi thơm của gạo nếp, nước gừng, nước cốt dừa quyện với ống tre toả ngát góc phố. Nguyễn Minh Châu, phóng viên của VOV mồ hôi nhễ nhại, mắt đỏ hoe vì khói, cứ lăng xăng chạy qua chạy lại để phỏng vấn người thi. Châu tấm tắc: “Mùi cơm lam quá hấp dẫn. Chỉ ở Tuyên Quang, cơm lam mới có hương vị này!” Châu nằng nặc với người đốt cơm lam mà anh vừa phỏng vấn rằng, kết thúc cuộc thi phải cho anh xin bằng được vài ống cơm lam.
Không ngờ, ở phía đối diện địa điểm diễn ra hội thi, bố con ông Hồng cũng theo bà Lợi ra hội, nhưng không phải cố vấn, mà đi…bán cơn lam. Ông Hồng bảo, sau khi đốt để qua đêm, cơm nguội đi nhưng giữ được độ dẻo và kết dính. Lớp màng mỏng của ống tre sẽ dính chặt vào cơm chính là một trong những yếu tố làm nên hương vị đặc trưng của cơm lam. Rất đông khách xem đã đến chọn mua cơm lam. Nửa buổi, hơn 100 ống cơm lam mà bố con ông Hồng mang ra đã bán hết. Nhiều người từ xa đến tỏ vẻ tiếc nuối, ông Hồng lại chèo kéo khách: “Mời các bác vào trong quê em tắm khoáng rồi ăn cơm lam!”
Bây giờ, không còn chuyện khách du lịch kêu ca rằng đường vào Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm khó đi nữa. Đi ô tô từ trung tâm thành phố vào Suối Khoáng theo Quốc lộ 37 chỉ hết có 10 phút đồng hồ. Khi dịch vụ tắm khoáng được Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều khách du lịch ở trong và ngoài tỉnh đã thường chọn Khu Du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm làm điểm đến để nghỉ dưỡng. Sau khi ngâm mình trong nước khoáng, cảm giác đói, khách lại có cơm lam chấm với vừng đen để nhâm nhi và mua về làm quà cho gia đình. Cuộc sống của gia đình bà Lợi, ông Hồng, ông Vượng và hàng chục người dân làm nghề đốt cơm lam trong xóm cũng khấm khá lên từ đó. Cách đây ít năm, nhà cửa của người dân còn lụp xụp là thế, vậy mà nay nhà nào cũng xây mấy tầng, đông vui như ngoài thành phố.
Đốt cơm lam ở Suối Khoáng không chỉ là nghề cho thu nhập chính của người dân ở đây, mà còn tạo một trong những sản vật cần thiết để góp phần phát triển du lịch của địa phương.

Không có nhận xét nào: