22/8/11

Trên đỉnh Pù Đèo

Chuyện mấy chàng trai leo lên đỉnh Pù Đèo câu được con cá trắm 13 cân mang xuống "đánh chén" khiến cả thị trấn xôn xao, nhiều tay câu có tiếng sát cá cũng phải "nể" lắm. Cứ nghĩ rằng, cá thì phải nuôi ở những vùng thấp, nhưng với đại đa số đồng bào dân tộc Dao sống ở Pù Đèo, để thích nghi với điều kiện sống thì họ còn có thể làm được nhiều điều hơn thế.
Người ở lại rừng
"Pù Đèo có phải đâu xa, đường đi tới đỉnh khác gì trong mơ. Ai chưa lên đó bao giờ, nên một lần đến để mà ngắm trông...". Không biết ai là tác giả của mấy câu thơ đó, nhưng chị La Thị Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Thành, huyện Hàm Yên thì có vẻ tâm đắc với nó lắm. Chị ngâm nga mà khoe với tôi như thay lời mời một lần lên Pù Đèo ngắm cảnh. Khỏi phải nói, chỉ cần nghe kể về chuyện người Dao sống ở trên đỉnh Pù Đèo, nơi độ cao gần 800 mét so với mực nước biển là cái chân đã muốn leo lắm rồi. Cái tên Pù Đèo là do dân bản địa quen gọi thế, người ta còn gọi bằng tên khác nữa là Làng Đèo. Thực ra Pù Đèo hay Làng Đèo đều có tên hành chính là thôn 2 Mỏ Nghiều, thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Yên. Hiện nay có 62 hộ đang sinh sống tại thôn, chủ yếu là dân tộc Dao đỏ, Dao tiền, Dao quần trắng, còn lại một số ít người Kinh và Tày. "Pù" trong tiếng Tày có nghĩa là "rừng", có thể hiểu là con đèo ở giữa rừng, nửa tiếng Kinh, nửa tiếng Tày kết hợp với nhau nghe cũng thấy lạ tai.
Trong số ít người Kinh hiện đang sinh sống tại Pù Đèo có trưởng thôn Nguyễn Văn Xoang. Ông Xoang là dân chính gốc Hải Phòng, quê ở huyện Kiến Thụy. Trước năm 1975, ông là công nhân của Công ty Khai thác lâm sản Hải Phòng đi khai thác gỗ ở nhiều vùng rừng núi của Tuyên Quang, trong đó thời gian ở Pù Đèo khá lâu. Nhưng đến cuối năm 1975 thì công ty giải thể, ông trở nên chơi vơi giữa rừng. Thời gian dài gắn bó với Pù Đèo đã khiến ông Xoang có thể kể vanh vách từng con đường, con suối, vũng nước ở trên đó. Tuy ở trên đỉnh núi, nhưng Pù Đèo lại là mảnh đất khá rộng, bằng phẳng, có nhiều nước. Khác với nhiều vùng núi cao khác, người dân phải ngóng từng giọt nước trời để trồng ngô lúa, vậy mà Pù Đèo lại nhiều nước hơn bao giờ hết. "Chẳng phải biết ý định ở lại với đỉnh núi này của mình mà tạo hóa đã sắp xếp thế?"- ông Xoang thỉnh thoảng cứ thầm nghĩ. Ở đâu có nước là ở đó có sự sống, ông thấy cái triết lý ấy càng đúng hơn khi ngẫm người dân mình xuất phát từ nền văn minh lúa nước. "Ở đâu cũng thế, thời buổi bấy giờ chỉ làm nông nghiệp là không đói, vả lại đất Pù Đèo tốt, chỉ cần chọc que xuống, tra hạt là cây mọc lên xanh mơn mởn". Đấu tranh tư tưởng mãi, vậy là ông quyết định ở lại chính nơi "khỉ ho cò gáy" ấy, lấy vợ sinh con. Hồi đó mới chỉ có 4 hộ người Dao đỏ sinh sống ở Pù Đèo.

Ao cá của gia đình ông Phượng Chòi Kinh ở Pù Đèo (thôn 2 Mỏ Nghiều, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên)
Phăm phăm cưỡi xe máy chạy theo ông Xoang lên đèo, chiếc xe của tôi nhảy chồm chồm trên những hộc đá to tổ chảng. Ông Xoang leo đèo "lụa" lắm, thanh niên còn "khướt" mới theo được ông. Thi thoảng ông vẫn phải dừng xe ngoái lại nhìn xem tôi đến đâu, có đi được không. Ông tâm đắc lắm cái đận năm 1997 khi vận động bà con nhân dân làm con đường lên thôn. Như được tiếp thêm động lực, toàn bộ bà con trong thôn hô hào nhau xả núi, cuốc đường, chẳng mấy là con đường hoàn thành. Ngày xưa chỉ có mỗi lối mòn đủ một người đi, nay đã mở được con đường rộng đủ cho công nông chạy. Cả ông Xoang và bà con trên thôn phấn khởi, hồ hởi cho đến tận bây giờ. Có lẽ trong điều kiện khó khăn, người ta làm được vậy là thành công lắm, chứ như người vùng dưới đi xe lên chơi một lần là thấy hãi hùng, chưa kể hôm nào mà gặp trời mưa thì thôi, đành phải "cuốc" bộ. Đi trên đèo vào giữa mùa hè nên không có sương. Ông Xoang kể, mùa đông ở đây mây sà hết xuống chân núi, ở trên đỉnh lại thoáng đãng, chẳng có tí mây nào. Trên đường, gặp người mẹ trẻ cõng đứa con nhỏ leo dốc, chắc là đón con đi trẻ về. Tôi dừng xe, lôi máy ảnh ra chụp.
- Ai cho chụp mà chụp?
- Tại thích thì chụp thôi!
- "Đập" cho một trận bây giờ!
- Ơ... thế định đập bằng cái gì nhỉ?
Người mẹ trẻ mặt đỏ lựng, bẽn lẽn quay đi, tiếp tục cõng con leo dốc về nhà. Cái sự đáng yêu của người Pù Đèo khiến cho tôi leo lên đến đỉnh mà quên cả mệt mỏi.
Không cho đất và nước nghỉ
Những chủ nhân đầu tiên của Pù Đèo chạy ra đón ngay ở đầu đường lên thôn là mấy chú lợn "tên lửa" của nhà ai đó. Đây chính là một trong những thứ đặc sản của vùng núi cao mà dân miền xuôi vẫn hằng ao ước. Ở Pù Đèo, nhà ai cũng nuôi lợn đen, lợn tên lửa, chủ yếu dùng để thịt ăn, có người dưới thị trấn lên muốn mua thì bán. Vào ngày rằm, ngày tết, hầu như nhà nào cũng mổ lợn, không thì hai, ba nhà chung nhau mổ một con. Tập quán của bà con nơi đây vẫn còn mang đậm nếp xưa.
Nếu không qua chặng đường đèo, chắc chắn không ai nghĩ mảnh đất này ở trên đỉnh núi, bởi diện tích của thôn đến hơn 200 ha, bằng phẳng đến lạ kỳ. Ở đây hầu như mỗi nhà đều có ít nhất một cái ao, nhà nhiều thì vài cái. Gia đình ông Phượng Chòi Kinh, dân tộc Dao đỏ có hơn 2000 m2 nuôi cá trắm, chép, rô phi. Hồi đầu năm, ông nhờ người tháo nước đánh một mẻ, bán được gần 20 triệu đồng. Cá nuôi trên núi thịt chắc, thơm ngon nên nhiều người thích. Do cỏ trên đây nhiều nên bà con nuôi nhiều cá trắm cỏ, thỉnh thoảng bà con rủ nhau tháo ao bắt cá rồi gọi người dưới thị trấn lên đổ buôn, thu nhập từ cá là không nhỏ. Có những nơi ao của nhiều nhà san sát nhau, mênh mang tầm mắt, nhìn chẳng khác gì hồ trên núi. Cũng vì sự hấp dẫn của đỉnh Pù Đèo mà nhiều người đã chọn nơi đây làm điểm đi píc níc, câu cá thư giãn, sáng tác nghệ thuật, thậm chí những người từ xa đến còn ở lại vài ngày cho...bõ.

Anh Nguyễn Văn Xuân ở Pù Đèo (thôn 2 Mỏ Nghiều, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên) mở xưởng mộc phục vụ bà con trong thôn
Ngoài nuôi cá, trồng rừng, bà con Pù Đèo còn trồng khá nhiều lúa nước, với gần 20 ha, chiếm 10% diện tích thôn. Mật độ dân cư sống thưa thớt nên hộ ít nhất cũng có 5 sào ruộng. Nhiều nhất thôn vẫn là gia đình ông Phượng Chòi Kinh với 1,4 mẫu ruộng. Trồng lúa 2 vụ, thời gian còn lại không cho đất nghỉ, ông thâm canh ngô, khoai, các loại rau màu để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chẳng thế mà ông Kinh có ngôi nhà 2 tầng to "vật vã" ở thôn. Bà mẹ năm nay gần trăm tuổi, từ trước đến giờ chỉ biết mặc trang phục Dao đỏ, cũng không nghĩ mình lại được ở trong ngôi nhà xây khang trang như thế, ngôi nhà mà nhiều người ở dưới chân núi còn phải ao ước. Không chỉ gia đình ông Kinh, gia đình nào trong thôn mỗi năm cũng có trên tấn thóc, ăn chẳng bao giờ hết. Hỏi vui bà Bàn Thị Hiệp 70 tuổi:
- Bà già thế này ăn làm sao hết gạo mà làm nhiều ruộng thế? Lúa để trong kho chẳng mọc mầm hết à?
Bà lão cười móm mém:
- Nó chở xuống thị trấn bán đấy!
"Nó" chính là chỉ con trai bà, anh Bàn Văn Núng. Vợ chồng anh "chỉ" làm có 7 sào ruộng, nuôi 4 con trâu, đàn lợn đen, lợn tên lửa, trồng mấy ha rừng, hai ao cá. Anh Nguyễn Văn Xuân, người Dao tiền, năm nay mới 26 tuổi, chưa lấy vợ nhưng lại là lao động chính trong nhà. Ngoài làm ruộng, chăn nuôi trâu, gà, thả cá, anh còn có hẳn xưởng mộc, máy xay xát phục vụ bà con trong thôn. Tổng thu nhập bình quân của gia đình đạt 70-80 triệu/năm. Toàn thôn hiện có 12 máy nông nghiệp, gần chục chiếc công nông dùng để chuyên chở hàng hóa. Hơn 10 năm trở lại đây, hầu như bà con không phải dùng sức người và sức trâu để cày bừa, làm đất, việc đó đều do máy làm hết. Ông Xoang là trưởng thôn, suốt ngày lo việc thôn cũng đủ túi bụi. Lúc thì thống kê cái nọ cái kia, lúc hòa giải, họp hành, đi xuống xã triền miên. Nhưng ông cũng được bà con tín nhiệm, nể phục nên có tầm ảnh hưởng lớn. Biết sản phẩm nông nghiệp của bà con làm ra nhiều, ăn không hết, ông nhận trách nhiệm thu mua lại của bà con và giao cho các cửa hàng dưới thị trấn. Ông sắm xe công nông để chuyên chở hàng hóa, vài tuần một chuyến, lúc chở lúa, khi ngô, khi thịt lợn...Bà con tin tưởng ông nên chủ yếu là để cho ông bao tiêu sản phẩm. Nhà ông Xoang lúc nào cũng chất đầy lúa ngô trong kho. Ngày xưa, bà con phải gánh xuống chợ để bán, nay có người thu mua tận nhà, bà con sướng lắm.
Bé Hương, cháu nội ông Xoang có nước da trắng như trứng bóc, ngồi cặm cụi giữa nhà tập viết chữ. Nhìn những nét chữ rắn rỏi của đứa trẻ mới lên 5, tôi thầm cảm phục tinh thần vươn lên của người Pù Đèo. Bố mẹ cháu bảo rằng, buổi sáng hàng ngày, vợ chồng thay nhau đưa cháu xuống xã học trường mầm non, chiều lại đón về. Hôm nào trời mưa, dốc trơn phải cõng đi bộ. Tất cả trẻ em ở Pù Đèo đều theo nhau vượt dốc đi học. Lớn lên, chúng được bố mẹ thuê nhà trọ ở thị trấn để theo học hết THPT. Trẻ em ở Pù Đèo đều có một mong muốn hết sức giản dị là học xong lại trở về với Pù Đèo, tiếp tục nối bước cha ông chúng, ươm những mầm xanh cho mảnh đất này tiếp tục sinh sôi.

Không có nhận xét nào: