5/5/11

Đất ngọt

Trong làn khói nghi ngút trắng, thấp thoáng tốp người cặm cụi bên chảo mật vàng óng, như những chú ong thợ chuyên cần. Cứ đến mùa mía, bà con nông dân xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa lại tất bật với công việc ép mía, làm mật. Vị ngọt đậm đà của mật mía đang lan tỏa trên khắp vùng quê yên ả này.
Nghề gia truyền trở lại
Ông Mến vừa cầm gáo nhôm múc nước mật từ một chiếc chảo đang sôi sùng sục, vừa nghển cổ lên: “Đun đều tay đi cháu, giữ cho đều lửa vào nhé!”. Theo hướng ông nói, một thanh niên vạm vỡ đang lúi húi như người thợ lò, gương mặt rực hồng. Miệng lò ngoan ngoãn há vòm họng đỏ rực, đều đặn nuốt lấy từng cào bã mía trên tay chàng thanh niên dúi vào. Ông Mến vẫn luôn tay, thi thoảng quay sang giải thích: “Công đoạn “cầm đường” mới là quan trọng nhất, quyết định cả giai đoạn làm mật. Nếu không giữ lửa cho đều, quá lửa, đường sẽ bị cháy”. Chẳng mấy chốc, mật ở chiếc chảo được múc hết ra một chiếc thùng. Mấy thanh niên khác xúm vào khệ nệ khiêng đổ vào máy đánh. Sau gần 10 phút, nước mật được cô thành chất dẻo quánh, tiếp tục được đổ ra khuôn. Lúc này, mật đã trở thành những phên đường vuông vắn, màu vàng suộm. Mùi mật chín ở lò của ông Phạm Văn Mến, thôn Tiên Hóa 1 tỏa hương thơm nức cả một vùng.

Buông gáo mật, ngồi xuống bên ấm nước chè, ông Mến trầm ngâm: “Quê tôi ở Hưng Yên. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, người dân quê tôi kéo nhau lên đây khai hoang, cuộc sống cơ cực và chật vật vô cùng. Những người miền xuôi lên miền núi lạ nước, lạ cái. Ngày ấy, đồng ruộng, soi bãi thì rậm rạp, um tùm lau với sậy. Cuộc sống mưu sinh khiến con người ta luôn phải vận động không ngừng… Giờ, thôn Tiên Hóa 1 vẫn còn đến 90% là dân Hưng Yên đấy”. Thế là từ quyết tâm lập nghiệp, ông Mến cùng cùng bà con trong thôn trồng lúa, ngô, sắn, khoai, sau này thêm sả và mía. Sau một thời gian, màu xanh của cây trồng đã thay cỏ hoang phủ kín vùng đât này. “Cây sả giúp cho nhiều gia đình trong thôn khấm khá lên, nhưng nó lại làm cho môi trường mất ô xi, hủy hoại đất màu. Người nấu sả phải trực tiếp ngửi mùi nên luôn cảm thấy mệt mỏi, nhiều người bị suy nhược cơ thể. Khi nhà nước không khuyến khích trồng sả nữa, tôi cùng nhiều người dân trong xã chuyển hướng phát triển cây mía. Vì cuộc đời dân khai hoang không hề bằng phẳng, nên mình phải năng động”, ông tâm sự.
Từ những năm 1970 về trước, khi mía cây trồng lên không tiêu thụ hết, một số hộ gia đình ở xã Vinh Quang đã tìm học lại cách ép mía, nấu mật trong dân gian để mưu sinh. Do nơi đây nhiều đất soi bãi, đất đồi, phù hợp với phát triển cây mía, lại có một nghề phụ trong những lúc nông nhàn, tạo thu nhập nên nhiều gia đình cũng bươn theo nghề này. Tuy nhiên, cách làm ban đầu của bà con hoàn toàn thủ công. Với việc ép mía bằng 2 quả lô bằng gỗ, mỗi gia đình làm mật đều tậu một con trâu dùng để làm sức kéo. Vậy là người và trâu cứ như chiếc kim đồng hồ chạy không biết bao nhiêu vòng quanh cái lô ép mía mỗi ngày. Mía cây được ép ra nước, cho vào chảo để nấu. Nấu xong rồi lại dùng sức người để đánh mật nên năng suất và hiệu quả chẳng là bao. Đến nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các xưởng cơ khí đã chế tạo ra máy ép mía, máy đánh mật chạy bằng mô tơ điện, máy nổ. Mùa mía, khắp cả xã, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng xình xịch của máy nổ, tiếng cười nói rôm rả. Thế là con trâu bớt được việc kéo mật, con người cũng đỡ vất vả hơn, năng suất lại cao hơn gấp nhiều lần.
Làm một vụ ăn cả năm
Vào thăm “nhà máy” ép mía, nấu mật của ông Nguyễn Văn Thiệu, thôn Tân Quang thấy ngổn ngang nào máy ép, máy đánh mật, bã mía, khuôn đường và những bao tải đường vuông vắn xếp ở kho. Ông Thiệu chỉ tay ra ngoài bãi, nơi mía cây chất ngồn ngộn cao gần bằng nóc nhà: “20 tấn mía vừa mua của bà con trong xã, nhưng từng đó chỉ đủ cho 2 ngày máy chạy thôi”. Ông thiệu tính toán, chi phí đầu tư ban đầu cho 1 bộ ép mía và các dụng cụ nấu mật hết gần 50 triệu đồng. Số tiền tương đối lớn đối với người nông dân. Tuy nhiên, thấy được công việc này cho hiệu quả kinh tế cao nên ông huy động mọi nguồn vốn để quyết tâm sống với nghề. Nghề nấu mật làm theo mùa vụ, thường từ tháng 10 của năm trước đến 4 năm sau. Nếu thời tiết khô ráo, với gần chục “công nhân” làm việc, mỗi ngày cho ra được 8-10 tạ đường, bán với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/1kg. Ông nhẩm tính, tận dụng bã mía làm chất đốt, không mất tiền mua củi, hàng tháng trả công bình quân mỗi nhân công 2,5 triệu đồng, trừ mọi chi phí, mỗi vụ, gia đình ông cũng để ra được trên dưới 100 triệu đồng. Vậy là chỉ một vụ ép mía, nấu mật khoảng 4 đến 5 tháng, ông Mến đã thừa chi phí cho đầu tư thiết bị. Chỉ vài vụ mía sau đó, người nông dân đã có tiền xây nhà, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt gia đình và chi tiêu cho cả năm. Những người ở tận Hưng Yên, Hà Tây tìm đến xã Vinh Quang để thu mua đường phên về địa phương bán cho các cơ sở chế biến bánh, kẹo. Đường phên ở Vinh Quang còn được bán sang cả Trung Quốc, vì thế mà sản phẩm làm ra đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Người dân Vinh Quang rất yên tâm về đầu ra của đường phên, chỉ lo đến chuyện làm sao cho đường thơm ngon, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh.

Xã Vinh Quang có 320 ha mía, đứng thứ nhì sau xã Phúc Sơn về diện tích trồng mía. Đây là một trong những vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương. Năm nay, xã nhận trồng 150 ha mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương. Với 170 ha còn lại, bà con nông dân trồng để cung cấp cho các lò nấu mật. Hiện tại, toàn xã có hơn 40 lò nấu mật, tập trung nhiều ở thôn Quang Hải, Hải Hà, Tiên Hóa 1, Tân Quang… Vào thời vụ, các lò mật giải quyết việc làm cho từ 50 – 60 lao động của địa phương, góp phần không nhỏ vào thu nhập, nâng cao đời sống của lao động nông thôn. Người người làm mật, nhà nhà làm mật. Bí thư Đảng ủy xã Vi Văn An không giấu nổi niềm phấn khởi: “Cũng nhờ vào tính tự lực cánh sinh của người nông dân, cần cù, dám nghĩ dám làm mà mặt bằng chung đời sống nhân dân trong xã tương đối sung túc. Với đà này, sao không dám nghĩ tới việc những cơ sở chế biến các sản phẩm từ đường phên sẽ hình thành ngay từ trên đất mía trong tương lai?”.
Có ý chí vươn lên làm giàu, có nghề trong tay, sẵn có nhân lực, nhưng điều mà ông Mến, ông Thiệu và hàng nghìn người dân xã Vinh Quang vẫn còn mong ước: Giá như mía trồng được quanh năm thì tốt biết mấy…

Không có nhận xét nào: