28/3/11

Thượng Minh mùa “hoa lửa”

          Đến trung tâm xã Hồng Quang (Chiêm Hóa), hỏi thăm thôn Thượng Minh còn bao xa, một vài người dân chỉ tay vào con dốc ngoằn nghèo: “Cứ đi, gần một giờ nữa”. Thật thú vị, hình như người ta chẳng có khái niệm gì về ki lô mét! “Gần một giờ” hệt như cái “quăng dao” mà ngày trước đồng bào miền núi vẫn thường nói. Vậy là việc tìm hiểu về lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã được hé mở từ một chuyện như thế.
        Vùng đất có câu chuyện huyền
        Con đường đất rộng chừng 3m, dài gần 10 cây số với những dốc, đèo quanh co đưa chúng tôi đến với thôn Thượng Minh. Những ngày cuối tháng Chạp, mưa phùn gió bấc đã biến con đường này trở thành chướng ngại vật luôn muốn thử tài các tay lái. Không kinh nghiệm, không thuộc đường và chẳng may gặp đúng hôm trời mưa nên phải loay hoay mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vào được đến thôn. Có lẽ đã quá hiểu và quen với điều kiện sống nên người dân ở đây dễ dàng ước lượng được thời gian để đi qua quãng đường từ trung tâm xã đến thôn, kể cả trời nắng hay mưa. Dựng chân chống xe cũng là lúc trên người lấm lem bùn đất, chúng tôi gặp một người đàn ông để hỏi thăm nhà ông thầy cúng nhảy lửa. Nhìn thấy bộ dạng chúng tôi, anh huơ tay nói giọng lơ lớ: “Chỉ 15 năm về trước, để ra, vào thôn, bọn anh luôn phải đi men theo những bờ ruộng, con suối. Hồi đó chưa có đường nên xe đạp cũng chịu thôi, dân ở đây một là cưỡi trâu, hai là đi bộ. Bây giờ bọn em được cưỡi xe máy vào đây là quá được rồi”. Người đàn ông ấy là Phù Văn Chi, người thôn Thượng Minh.
        Khách đến thôn liên hệ công việc, muốn nhanh chóng đều phải qua nhà bà Bàn Thị Tài, Bí thư chi bộ thôn. Bà Tài có dáng người cao, đậm, giọng nói sang sảng như đàn ông. Bà hỏi tên chúng tôi, lý do đến thôn rồi mở tủ lấy cuốn sổ ghi vào đó. Chuyện trò một lúc, chúng tôi thấy bà trở nên dễ gần hơn. Bà Tài cho biết, Thượng Minh là thôn vùng cao của huyện Chiêm Hóa, có ranh giới giáp với tỉnh Hà Giang. Thôn có 136 hộ, 656 nhân khẩu với 6 dân tộc, gồm: Pà Thẻn, Mông, Dao tiền, Tày, Nùng, Thủy, trong đó dân tộc Pà Thẻn chiếm… hộ với … người. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc riêng, nhưng đặc biệt, dân tộc Pà Thẻn có lễ hội nhảy lửa rất độc đáo mà không một dân tộc nào có. Nóng lòng muốn gặp ngay những người làm nên câu chuyện huyền bí này, nhưng bà Tài cứ giữ lại: “Cũng trưa rồi, các cháu ở đây ăn với nhà cô bữa cơm, chứ đằng nào chẳng phải ăn. Với lại ở trong thôn chẳng có quán như ngoài kia đâu”. Nghe vậy cũng thấy hợp lý vì chúng tôi cũng chẳng mang theo một thứ gì có thể ăn được cả, bụng thì đang đói meo.
        Ông thầy cúng tên là Húng Văn Hin, dân tộc Pà Thẻn. Nhà ông Hin nằm trên một quả đồi thấp cùng với hơn chục nhà khác. Ông năm nay 70 tuổi nhưng đã đi học làm thầy từ năm 16 tuổi nên rất có uy tín. Những người khách lạ đến tìm ông thường chỉ với lý do là mời về nhà để cúng. Chúng tôi lặn lội từ xa tìm đến nhà ông còn mong muốn hơn thế nhiều. Đi đường hăng hái bao nhiêu, đến khi tìm được ông, ngồi ở trong nhà rồi, chúng tôi lại dè dặt bấy nhiêu, chỉ sợ động chạm đến “thần linh”. Biết ý muốn của chúng tôi, ông Hin đi vào buồng lấy ra một thanh gỗ dài khoảng 4 gang tay, trên đó có gắn miếng sắt dọc theo chiều dài thân thanh gỗ và một  thanh tre nhỏ có vải màu đỏ quấn ở một đầu, ông gọi hai thứ ấy là “pạ-dơ”. “Đó là tiếng Pà Thẻn đấy, nhưng nó cũng chẳng có nghĩa gì cả. Từ khi tôi được đẻ ra, chỉ biết ông bà tôi gọi thế nên gọi theo. Cái này dùng trong lễ hội nhảy lửa, để cúng mời thánh ở trên trời xuống đấy”. Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông Hin cố giảng giải. Trong đầu tôi bắt đầu hình dung ra từ lời ông kể, thầy làm lễ mặc quần áo, mũ cúng, cắm chặt “pạ-dơ” vào một đầu ghế băng, rồi cứ dùng thanh tre quấn vải đỏ mà gõ vào đó, miệng thì lẩm nhẩm khấn. Thông thường, việc chuẩn bị phải bắt đầu trước lễ nhảy lửa khoảng vài tiếng đồng hồ. Lễ vật cúng lễ hội nhảy lửa của người Phà Thẻn rất đơn sơ, gồm một bát hương nhỏ, một con gà luộc, chục chén rượu trắng, vài ôm củi gỗ rừng để đốt thành than hồng. Phụ nữ và trẻ em ít tuổi chỉ được xem, không được tham gia nhảy lửa. Trước mỗi buổi lễ, thầy cúng phải làm lễ để thần linh cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường nhảy vào đống lửa. Phần làm lễ này kéo dài hơn một tiếng, có khi vài tiếng đồng hồ. Khi trời tối, đống củi sẽ được đốt cháy tạo thành đống than đỏ rực. Những người đàn ông Pà Thẻn tụ tập quanh thầy cúng, nghe tiếng thầy khấn và tiếng gõ của “pạ-dơ” mỗi lúc một gấp gáp. Sau đó, thân mình thầy cúng và những người đàn ông tự nhiên rung lên bần bật. Anh Phù Văn Chung, người đàn ông đã từng nhảy lửa ở thôn nói rằng, lúc đó trong anh như có sức mạnh phi thường, sau khi thầy cúng làm lễ, anh nhảy cả hai chân vào đống than đỏ rực, bốc than tung lên như những chùm hoa lửa, nhưng không cảm thấy nóng và cũng không hề bị bỏng.
                                    Ông thầy Hin với chiếc "pạ - dơ"
         Sức sống của một lễ hội
        Ông Hin nói rằng, nhảy lửa có từ khi người Pà Thẻn được sinh ra. Nhưng người Pà Thẻn có từ khi nào thì cũng không ai được rõ, chỉ biết là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đến nay, dân tộc Pà Thẻn chỉ sống tập trung ở huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang) và thôn Thượng Minh (Chiêm Hoá). Trước kia người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nương rẫy, trồng các loại cây như: Lúa, ngô, các loại rau, đậu, khoai sọ, khoai môn. Chăn nuôi các loại gia súc và gia cầm như: Trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt. Công cụ sản xuất là rìu, cuốc, dao. Đàn ông thường làm nghề mộc, đan lát, săn bắt.., phụ nữ thường cấy hái, dệt vải… Do đời sống nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nhất là những lúc mất mùa, giáp hạt, họ vẫn phải lên rừng tìm kiếm thức ăn. Vì thế hái lượm, săn bắt còn đóng vai trò đáng kể trong đời sống sinh hoạt của dân tộc Pà Thẻn.
Dân tộc Pà Thẻn có tín ngưỡng riêng, họ tin vào sự tồn tại của siêu nhiên, vạn vật, tất cả đều có linh hồn. Dân tộc Pà Thẻn có truyền thuyết về chữ viết, nhưng do thăng trầm của thời gian nên đã bị mai một. Ngày nay, người Pà Thẻn đã học chữ và tiếng phổ thông, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhưng nhiều phong tục tập quán của tổ tiên vẫn được họ lưu giữ như một báu vật.
Với người Pà Thẻn, lửa được coi như vị thần rất linh thiêng của họ, lễ nhảy lửa thường được tổ chức vào cuối năm, khi thời tiết đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông. Lửa sẽ giúp mang lại cho đồng bào Pà Thẻn sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc, cầu thần linh phù hộ cho dân an vật thịnh và xua đuổi tà ma, đẩy lùi bệnh tật. Nhảy lửa là sinh hoạt văn hóa mang tính chất tâm linh, thể hiện một sức mạnh phi thường của những người đàn ông Pà Thẻn muốn chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Đời này qua đời khác, lễ hội nhảy lửa đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kết quả từ lao động. Đây là hoạt tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của dân tộc Pà Thẻn, chứa những giá trị văn hóa đậm nét của miền sơn cước.
Giữ cho lửa cháy mãi
        Các dân tộc cùng chung sống ở Thượng Minh không phải năm nào cũng được chiêm ngưỡng những màn nhảy lửa hoang dã và huyền bí của người Pà Thẻn. Một số người cao tuổi ở Thượng Minh bảo, cách đây gần 30 năm, ông Hin cũng đã tổ chức làm lễ nhảy lửa tại thôn, nhưng do còn thiếu kinh nghiệm nên chưa đem lại kết quả như mong đợi. Từ đó, ông Hin chưa tổ chức nhảy lại lần nào. Để làm nên một lễ hội như vậy, ông Hin phải mất nhiều công sức và thời gian để đi học hỏi các thầy ở tận huyện Quang Bình của tỉnh Hà Giang. Những người tham gia nhảy lửa cũng phải luyện tập nhuần nhuyễn.
                                                       Nhảy lửa ở Thượng Minh
Nhờ sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần tạo điều kiện cho các phong tục tập quán mang đậm bản sắc của các dân tộc được phát huy, trong đó, người dân thôn Thượng Minh, đặc biệt là đồng bào dân tộc Pà Thẻn đang sinh sống ở đây đã có cơ hội được khơi lại, thưởng thức và tham gia lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Con trẻ sẽ lại được chiêm ngưỡng những bước nhảy đầy khí thế, thể hiện lòng dũng cảm, sự phi thường của cha anh mình, điều mà chúng chưa bao giờ được biết đến từ khi sinh ra. Cuối năm 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các cá nhân và tập thể huyện Chiêm Hóa tổ chức khôi phục lại lễ hội nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn thôn Thượng Minh. Gần 30 năm kể từ lần đầu tiên ông Húng Văn Hin gõ vào chiếc “pạ-dơ” trong cuộc đời làm thầy của mình, thì đến năm ấy, trong cái giá rét của mùa đông, ông lại được làm lại cái điều thiêng liêng đó để xin thần linh trên trời phù hộ cho bà con dân bản có được cuộc sống no ấm, ban cho con cháu Pà Thẻn có sức khỏe để chiến thắng bệnh tật, gắng sức lao động, xua đi cái nghèo. Chưa hết, áp Tết Tân Mão năm 2011, một lần nữa, những chùm hoa lửa ở Thượng Minh lại có dịp nở bừng lên. Từ đây, chắc chắn nhiều người trong và ngoài tỉnh sẽ biết đến một thôn vùng cao có dân tộc Pà Thẻn sinh sống, một lễ hội có đủ sức quyến rũ để níu chân khách. Và đến một ngày, chúng tôi sẽ quay trở lại Thượng Minh mà không phải đi mất “gần một giờ” nữa. Ngày đó đang đến từ trong ý thức gìn giữ những giá trị văn hóa, thành quả lao động ở trong tâm những con người Chiêm Hóa hôm nay.

Không có nhận xét nào: